Multimedia Đọc Báo in

Quy định mới về cơ chế thu học phí

21:38, 07/10/2015

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Theo đó, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015 - 2016 từ 60.000 - 300.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực thành thị; từ 30.000 - 120.000 đồng/tháng/học sinh đối với khu vực nông thôn và từ 8.000 - 60.000 đồng/tháng/học sinh đối với miền núi. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

Sinh viên Trường Trung cấp Tây Nguyên đang thực tập. Ảnh minh họa
Sinh viên Trường Trung cấp Tây Nguyên đang thực tập. Ảnh minh họa

Cũng theo Nghị định trên, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 (kể cả các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động). Học phí đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Nghị định cũng nêu rõ nguyên tắc xác định học phí. Cụ thể, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.

Học phí của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính đủ chi phí đào tạo.

Còn đối với các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ, học phí được xác định trên cơ sở tính toán có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước.

Các cơ sở giáo dục phải công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
 

Nguyên Hoa (Nguồn Chinhphu.vn)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.