Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo tín chỉ: Tăng sự chủ động cho sinh viên

09:24, 15/12/2015

Từ năm học 2009-2010, Trường Đại học Tây Nguyên chính thức áp dụng phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước và đuổi kịp trình độ tiên tiến của thế giới.

Chưa vượt qua sức ỳ của thói quen

Phương thức đào tạo theo tín chỉ có nhiều ưu thế so với đào tạo truyền thống, tùy điều kiện người học có thể học nhanh hơn hay chậm hơn so với tiến độ bình thường, có thể thay đổi chuyên ngành học giữa tiến trình học tập mà không phải học lại từ đầu. Ở Việt Nam đã có nhiều trường đại học chủ động áp dụng phương pháp đào tạo tiên tiến này, song tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ đang là thách thức, đòi hỏi các trường phải vượt qua, trước hết là yêu cầu ngày càng cao của xã hội, sức ỳ của thói quen, phương tiện và thiết bị hỗ trợ cho học tập còn hạn chế.

Sinh viên khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên đang tìm đọc tài liệu chuyên môn.
Sinh viên khoa Y Trường Đại học Tây Nguyên đang tìm đọc tài liệu chuyên môn.

 Sau gần 7 năm triển khai, đa phần sinh viên (SV) đã thích ứng với phương thức đào tạo mới, có phương pháp học tập phù hợp với yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên vẫn không ít SV thụ động trong lĩnh hội kiến thức, còn tâm lý ỷ lại vào giảng viên. Một giảng viên chia sẻ: “Tôi thường giao chủ đề cho SV chuẩn bị để tham gia thảo luận, nhưng chỉ khoảng ¼ SV trong lớp tích cực tham gia, số còn lại không phát biểu hay đặt câu hỏi chất vấn giảng viên. Có một thực tế đáng lưu ý, trong quá trình giảng dạy và khảo sát trực tiếp, tôi thấy nhiều SV không nắm kiến thức về văn hóa, lịch sử của dân tộc, thậm chí không kể được tên các triều đại phong kiến ở nước ta. Những kiến thức cơ bản này các em đã được trang bị khá đầy đủ ở bậc phổ thông, nhưng “học xong, thi xong lại trả cho thầy”. Khối lượng kiến thức ở bậc đại học là vô cùng lớn và môi trường học tập cũng khác xa bậc phổ thông, nhưng rất tiếc nhiều SV vẫn học theo phương pháp cũ, không biết tự bồi dưỡng, kiến thức, kỹ năng. SV phải chủ động đi tìm và làm giàu kiến thức cho mình”. Một khảo sát nhỏ cho thấy, ngoài thời gian học trên trường, thời lượng dành cho việc tự học của SV rất ít, chỉ khoảng 2 giờ/ngày. Nguyên nhân sâu xa là do “tính ỳ tâm lý”, việc đánh giá chủ yếu vẫn là điểm thi kết thúc học phần, còn điểm giữa kỳ chỉ là 30%, do đó trong quá trình học nhiều SV có tâm lý chỉ cần cố gắng “vừa khung” (được 5 điểm), đến lúc thi cuối kỳ tập trung học vẫn chưa muộn. Trung bình mỗi học kỳ, nhà trường cảnh báo và buộc thôi học trên 1.000 SV do không đủ điểm trung bình chung tích lũy theo quy định. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chung quy là do các em thiếu ý thức trong học tập.

Nâng cao năng lực tự học cho SV

Trong hình thức đào tạo tín chỉ, tự học của SV giữ vai trò quan trọng, không những vậy tự học còn nâng cao hoạt động trí tuệ, các kỹ năng của SV trong việc tiếp thu và nắm bắt tri thức mới. Một trong những ưu điểm khác biệt giữa đào tạo theo tín chỉ và đào tạo theo niên chế là giảm bớt thời gian lên lớp lý thuyết của giáo viên, tăng tính chủ động cho SV, giúp SV phát triển tư duy sáng tạo, hoàn thiện nhân cách theo yêu cầu của xã hội. Điều này có nghĩa SV phải linh hoạt khi tiếp cận chương trình đào tạo bằng tất cả khả năng, sở thích, đồng thời thiết lập thời gian biểu khoa học. Những năm qua, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy chế học vụ, chương trình đào tạo, thành lập đội ngũ cố vấn học tập, nhà trường còn tổ chức nhiều cuộc thi, phát động phong trào nghiên cứu khoa học…, nhằm tạo động cơ học tập, sự ham hiểu biết, vươn lên chinh phục tri thức của SV. SV Trần Thị Thanh Loan, Khoa Chăn nuôi Thú y chia sẻ: “Với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ, khối lượng kiến thức và sự hình thành kỹ năng không giảm đi mà có xu hướng ngày càng tăng lên. Để đạt được mục tiêu đào tạo, ngoài các buổi học tập tại lớp, em dành phần lớn thời gian tự học, tự nghiên cứu, làm việc theo nhóm. Đặc biệt là tham gia nghiên cứu khoa học với các bạn có cùng sở thích”. Thạc sĩ Phạm Trọng Lượng, Trưởng Phòng Công tác chính trị học sinh sinh viên thẳng thắn nhìn nhận: “SV chưa có ý thức tự học, một phần do giáo viên. Trước đây, khi còn là giảng viên Khoa Sư phạm, tôi luôn tạo động lực giúp SV tự học bằng cách giao bài tập, yêu cầu làm việc theo nhóm và thuyết trình trước lớp; đồng thời động viên kịp thời những SV hoàn thành tốt như cộng điểm, tuyên dương trước lớp, trước khoa. Ngoài ra, tôi còn giới thiệu các tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo, cách thu thập, tra cứu và xử lý thông tin. Điều này thôi thúc SV dành thời gian tìm đọc tài liệu, làm các bài tập, bài kiểm tra, thảo luận nhóm theo yêu cầu”.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên kiểm tra  mô hình trồng rau thủy canh.
Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên kiểm tra mô hình trồng rau thủy canh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để giúp SV phát huy năng lực tự học, nhà trường sẽ tổ chức thảo luận, trao đổi phương pháp học tập giữa SV các khóa, các ngành, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong SV, đặc biệt yêu cầu đội ngũ cố vấn học tập bám sát lớp được phân công, mỗi tháng sinh hoạt với lớp một lần để kịp thời tư vấn, hướng dẫn cho SV xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên, sự quản lý của nhà trường, điều quan trọng là mỗi SV cần xác định động cơ, mục tiêu học tập đúng đắn, đặc biệt là nắm chắc quy chế đào tạo để lập kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc