Multimedia Đọc Báo in

Đại học Buôn Ma Thuột đồng hành cùng sự phát triển của Tây Nguyên

10:55, 04/02/2016

Trường Đại học Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập tháng 8-2014 (Quyết định 1450/QĐ-TTg), với 2 ngành đào tạo chính quy trình độ đại học là Dược học và Y Đa khoa. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk và là trường thứ 2 của vùng Tây Nguyên.

Trường tọa lạc trên đường Hà Huy Tập (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có tổng diện tích 5,4 ha. Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT cam kết bố trí bổ sung cho trường 6 ha tại địa điểm thuận lợi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để đáp ứng đủ điều kiện về đất xây dựng và phát triển theo Đề án đã được phê duyệt. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết: “Dự án đầu tư thành lập Trường được xây dựng trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách về phát triển GD-ĐT của Đảng, Nhà nước, phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng và địa phương”. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm tặng hoa chúc mừng nhà trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2015.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm tặng hoa chúc mừng nhà trường nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2015.

Sau khi có quyết định thành lập, nhà trường đã đầu tư, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên (GV) để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng tăng về số lượng, cũng như chất lượng sinh viên (SV). Nếu như năm học đầu tiên, nhà trường chỉ mới tuyển 128 SV ngành Dược, thì năm học 2015-2016 đã tuyển sinh 654 SV, trong đó ngành Dược là 502 SV và Y Đa khoa 152 SV. Trong điều kiện nguồn GV ngành sức khỏe ở Tây Nguyên còn thiếu, nhà trường đã mời và nhận được sự hợp tác của nhiều thầy, cô giáo tâm huyết, tận tâm với nghề đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đã Nẵng… tham gia giảng dạy. Trong tổng số 102 cán bộ, GV, nhân viên của trường có 1 giáo sư, 14 phó giáo sư, tiến sĩ, 23 thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, bác sĩ chuyên khoa I, 19 bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học, 45 cử nhân đại học, cao đẳng và kỹ thuật viên. Giáo sư, tiến sĩ Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo quy định, ngoài mời GV có trình độ, kinh nghiệm, việc đào tạo, phát triển đội ngũ GV là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là trong 10 năm đầu, vì vậy nhà trường đã xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ, từng bước nâng cao năng lực, hiệu quả trong giảng dạy, quản lý. Nhà trường có chủ trương và cơ chế linh hoạt để phát triển đội ngũ GV, khuyến khích tạo điều kiện cho GV học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước; thu hút, tuyển dụng thạc sĩ, tiến sĩ trẻ. Thời gian qua, nhà trường đã tuyển dụng thêm 15 giảng viên là bác sĩ đa khoa và dược sĩ đại học và đã cử đi đào tạo tại các trường đại học Y - Dược Huế, Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh và Học viện Quân y”. 

Giảng viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột hướng dẫn sinh viên thực hành.
Giảng viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột hướng dẫn sinh viên thực hành.

Song song với xây dựng đội ngũ, Trường đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn I và mua sắm trang thiết bị, với tổng kinh phí 100 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu giảng dạy 3 năm đầu thành lập bao gồm: phòng học lý thuyết, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà làm việc, khu nhà ở cho giảng viên. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 33 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và khai giảng năm học 2015-2016, ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: “Trường Đại học Buôn Ma Thuột được thành lập trên cơ sở thực hiện chủ trương của Chính phủ về chính sách xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề… Ở những vùng còn khó khăn như Tây Nguyên, thì việc thành lập loại hình trường đại học tư thục như Đại học Buôn Ma Thuột là sự cần thiết sẽ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện sức khỏe, đời sống của người dân của tỉnh Đắk Lắk và vùng Tây Nguyên. Hiện nay, chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk nhân lực y tế còn thiếu 1.550 người (tính ở mức thấp nhất), trong đó bác sĩ thiếu 400 người. Việc đào tạo ngành y đa khoa và dược sĩ trình độ đại học của nhà trường sẽ góp phần bổ sung nguồn nhân lực cho các địa phương trong vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk”. Xuất phát từ thực tế trên, Trường Đại học Buôn Ma Thuột xác định luôn đồng hành cùng sự phát triển của Tây Nguyên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, có đạo đức, sức khỏe, năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng cao, tâm huyết, bản lĩnh xây dựng đất nước giàu đẹp; có đội ngũ các nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần tạo ra những sản phẩm khoa học chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.   Kết quả đạt được thời gian qua mới chỉ là bước đầu, Trường Đại học Buôn Ma Thuột với mục tiêu, định hướng cụ thể, phấn đấu trở thành một cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng, có khả năng đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực, nhất là tham gia vào sự phát triển của khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, hướng tới phục vụ cho cộng đồng.

Hoa Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.