Multimedia Đọc Báo in

Một vài lưu ý để làm tốt bài thi môn Ngữ văn

08:41, 19/06/2016

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 đã cận kề, đây là khoảng thời gian các em học sinh cần tập trung nắm lại kiến thức các môn thi.

Đối với môn Ngữ văn, trọng tâm  ôn thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 với 60% kiến thức mức độ cơ bản, 40% kiến thức nâng cao. Ngoài nắm vững kiến thức, để làm bài thi tốt, các thí sinh cần phải nắm được phương pháp làm bài.

Đề thi THPT quốc gia trong hai năm gần đây thường có hai phần: đọc hiểu văn bản (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Phần làm văn có hai câu, một câu nghị luận xã hội (3điểm), câu nghị luận văn học (4điểm). Đối với phần đọc hiểu, khi làm bài thí sinh cần đọc kỹ văn bản, nắm yêu cầu đề, trình bày đủ các ý,  có thể dùng các gạch đầu dòng để nêu ý cụ thể, không nên viết lan man, dài dòng mất thời gian mà điểm không cao. Phần này các em cần nắm vững kiến thức lý thuyết như: Các biện pháp tu từ trong văn bản (tu từ so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ, điệp từ, nói quá...), các thao tác lập luận (phân tích, so sánh, bác bỏ, bình luận), các phong cách ngôn ngữ và các phương thức biểu đạt. Nắm vững kiến thức lý thuyết sẽ dễ dàng làm bài nhanh và hiệu quả.

Về phần làm văn, với câu nghị luận xã hội thường vận dụng kiến thức xã hội để làm một bài văn khoảng 600 từ, vì thế cần trình bày theo kết cấu của một bài văn có ba phần: mở bài, thân bài, kết bài, mỗi phần cần phải làm rõ yêu cầu của đề đặt ra. Khi làm bài, các em phải chú ý không sử dụng gạch đầu dòng trong bài làm. Câu này đòi hỏi các em có vốn kiến thức xã hội rộng để lý giải yêu cầu đề đặt ra. Với đề này các em cần làm theo các bước: Giải thích, bàn luận, bài học cho bản thân.

Phần nghị luận văn học đòi hỏi phải nắm kiến thức văn học để viết một bài văn dài,  trình bày theo kết cấu nêu ở trên, nhưng để làm được bài cần phải đọc kỹ đề, nắm được yêu cầu đề đặt ra, tìm ý cần làm, tránh trường hợp đọc qua loa hiểu sai đề. Có hai dạng đề thường gặp: nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi. Ta thường gặp các dạng đề so sánh như: so sánh hai chi tiết; cảm nhận hai nhân vật; cảm nhận hai đoạn thơ, hai đoạn văn; so sánh, cảm nhận hai ý kiến. Ví dụ đề bài: Phân tích giá trị  hiện thực và giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ nhặt” (Kim Lân); so sánh cách kết thúc “Vợ nhặt” với cách kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo” (Nam Cao). Với đề này có nhiều cách làm khác nhau nhưng cần  làm rõ các ý sau: giới thiệu tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề nghị luận; phân tích những biểu hiện cụ thể của  giá trị  hiện thực và nhân đạo trong tác phẩm; so sánh với cách kết thúc tác phẩm “Chí Phèo”; lý giải nguyên nhân tạo nên sự khác nhau trong cách kết thúc; đánh giá chung.

Để bài làm đạt điểm cao, ngoài tìm ý cho bài viết, trong hành văn bài viết cần phải sạch sẽ, rõ ràng, nếu từ ngữ nào không vừa ý dùng thước gạch bỏ, không nên tẩy xóa bằng bút xóa, tránh trường hợp bài làm có hai màu mực, hai loại chữ khác nhau.    

Huỳnh Ngọc Toàn


Ý kiến bạn đọc