Multimedia Đọc Báo in

Mang niềm vui đến với học sinh nghèo

17:56, 27/09/2016

Nhiều năm qua cứ chuẩn bị bước vào năm học mới, Báo Đắk Lắk và Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential lại phối hợp tổ chức trao học bổng cho học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở ở một số trường trong tỉnh nhằm tiếp sức các em đến lớp. Điểm đến năm nay là huyện Krông Bông và buôn Cuôr Káp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).

Trường THCS Hùng Vương  (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) hôm diễn ra Lễ trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học năm học 2016-2017 rộn ràng hơn mọi ngày. Không chỉ có các thầy cô giáo và học sinh trường sở tại mà còn có giáo viên, học sinh, cùng phụ huynh các trường: THCS Hùng Vương (xã Yang Reh), Tiểu học Ea Trul và THCS Ea Trul (xã Ea Trul) đã đưa các em đến nhận học bổng. Chị Nguyễn Thị Ánh - mẹ của em Phạm Thị Duyên (lớp 8B, Trường THCS Ea Trul) nói: “Năm 2010, chồng tôi không may mắc bệnh hiểm nghèo, dù gia đình đã cố gắng chạy chữa nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Năm học trước, anh trai của Duyên đang học lớp 9 đã phải nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền phụ mẹ nuôi hai em ăn học. Một đứa con đã nghỉ học nên bây giờ kinh tế khó khăn đến mấy, tôi vẫn cố gắng động viên Duyên đi học. Được cái con bé rất ham học và học rất giỏi, năm nào cũng được nhà trường tặng giấy khen”.
 
Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Nguyễn Văn Phú trao học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học huyện Krông Bông.
Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk Nguyễn Văn Phú trao học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học huyện Krông Bông.

Em H’Duyên Niê (lớp 7, Trường THCS Ea Trul) cũng được Ban giám hiệu nhà trường xét cho nhận học bổng đợt này. Từ sáng sớm, em cùng bà đi đến Trường THCS Hùng Vương để nhận học bổng. Bà H’Vai Niê - bà nội em cho hay, gia đình H’Duyên có 4 anh chị em, tất cả đều đang đi học. Nhà đông con, nhưng chỉ có 2 sào ruộng do ông bà cho, do đó bố mẹ H’Duyên phải đi làm thuê khắp nơi trong huyện để kiếm tiền trang trải cuộc sống, chăm lo cho các con đi học. Dù rất muốn đưa con đi nhận học bổng, nhưng đã nhận lời thu hoạch khoai lang cho một hộ dân ở thôn 2 của xã, nên bố mẹ Duyên đành nhờ bà nội đưa đi nhận hộ. Em H’Duyên chia sẻ: “Bố mẹ làm thuê để lo cho mấy anh chị em đủ sách vở, áo quần cho năm học mới rất vất vả. Giờ được nhận học bổng, cháu rất vui và tự hứa sẽ cố gắng để năm học tới đạt được nhiều thành tích hơn nữa”.

Ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết những năm qua ngành Giáo dục huyện hết sức quan tâm đến công tác vận động các đơn vị, cá nhân hảo tâm hỗ trợ các em về vật chất, tinh thần. Sự đồng hành chia sẻ của Báo Đắk Lắk và Công ty BHNT Prudential sẽ kịp thời giúp các em học sinh nghèo hiếu học có thêm tấm áo mới, có đủ sách giáo khoa, dụng cụ học tập. Món quà thiết thực, ý nghĩa này là nguồn động viên, khích lệ các em nỗ lực hơn nữa trên con đường vượt khó đến trường.

Với suy nghĩ không để các em học sinh nghèo bỏ học do hoàn cảnh khó khăn Báo Đắk Lắk đã kêu gọi, vận động các đơn vị hảo tâm về với học sinh nghèo, hiếu học trong tỉnh. Tuy mức học bổng còn khiêm tốn, nhưng đó là nguồn động viên, khích lệ các em vượt khó đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Việc tặng học bổng, Báo Đắk Lắk chủ yếu dành cho các học sinh dân tộc thiểu số, như năm học này trong tổng số 70 em được nhận học bổng thì có tới 62 em là học sinh dân tộc thiểu số. “Mong muốn của Báo Đắk Lắk cũng như Công ty BHNT Prudential là góp một phần nhỏ bé về vật chất cùng với các tổ chức xã hội khác trên địa bàn quan tâm đến việc học hành của các em học sinh vùng còn nhiều khó khăn, để các em có điều kiện học tập tốt hơn, ông Nguyễn Văn Phú, Tổng Biên tập Báo Đắk Lắk khẳng định.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.