Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016: Thiếu nguồn tuyển
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên. |
* Mùa tuyển sinh năm 2016 đã đến giai đoạn cuối, công tác tuyển sinh của trường có khả quan không, thưa ông?
Tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng năm 2016 của trường là 2.600, nhưng cũng như nhiều trường trong cả nước, kết thúc tuyển sinh đợt 2, trường chỉ mới tuyển sinh được 70% chỉ tiêu. Trong đó một số ngành như: Y Đa khoa, Xét nghiệm, Chăn nuôi, Thú y… đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu; các ngành còn lại mới chỉ tuyển 40-50% chỉ tiêu. Ở những năm học trước, thậm chí mùa tuyển sinh năm 2015 - lần đầu tiên tổ chức tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhà trường vẫn tuyển đạt 100% chỉ tiêu.
* Kết quả tuyển sinh là một trong những tiêu chí phản ánh “thương hiệu” của trường. Năm nay, Trường Đại học Tây Nguyên tuyển sinh cũng khá chật vật, ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
Đúng vậy, đó là khi thực hiện theo phương án tuyển sinh cũ. Còn năm nay khó đánh giá được bởi ngay cả các trường “tốp đầu”, các trường có thương hiệu như: Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngoại thương… kết thúc tuyển sinh đợt 2 vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm này chưa có trường nào tuyển sinh đạt 100%, bình quân các trường chỉ đạt 60% chỉ tiêu.
Nguồn tuyển sinh năm nay trở nên khó khăn có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi rất có thể đã có một sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh, thí sinh. Với những suy nghĩ thực tế hơn, có thể nhiều học sinh đã từ chối môi trường đại học để chuyển qua học nghề, dù số điểm kỳ thi THPT quốc gia của mỗi em đủ điều kiện học một trường đại học, cao đẳng. Vấn đề này buộc các trường đại học, cao đẳng, các nhà nghiên cứu xã hội cần phải tìm hiểu kỹ.
* Một số người băn khoăn nguồn tuyển sinh khó khăn sẽ ảnh hưởng đến công tác đào tạo, nhưng cũng có không ít thí sinh, phụ huynh mong đợi nhà trường có hạ điểm chuẩn, nhất là đối với một số ngành “hot”. Vậy Trường Đại học Tây Nguyên có hạ điểm chuẩn?
Trước hết phải khẳng định việc thiếu chỉ tiêu không ảnh hưởng nhiều đến công tác giảng dạy của giảng viên. Những năm học trước, sĩ số mỗi lớp là 70-80 sinh viên, còn năm nay sĩ số một lớp khoảng 40-50 sinh viên. Số lượng sinh viên trên một lớp ít chắc chắn công tác tổ chức, quản lý lớp, quản lý sinh viên của giáo viên thuận lợi hơn, theo đó chất lượng giảng dạy-học tập nâng lên.
Các thí sinh làm hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Tây Nguyên. |
Điểm chuẩn xét tuyển các ngành là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường. Nếu trường hạ điểm đăng ký xét tuyển đối với một số ngành thì những thí sinh đạt điểm thấp hơn hoặc các em chờ đợi đến thời điểm này mới đăng ký nhập học sẽ đỗ ĐH, CĐ như vậy sẽ không công bằng, ảnh hưởng tâm lý của thí sinh, gây dư luận không tốt. Vì vậy, dù thiếu nguồn tuyển trường vẫn không hạ điểm chuẩn. Hiện, trường vẫn tiếp tục tuyển sinh, nếu thí sinh có nhu cầu học thì nộp đơn đăng ký nhập học đến hết tháng 11 theo quy định.
* Mùa tuyển sinh năm 2016 sắp kết thúc, những khó khăn trong công tác tuyển sinh khá rõ. Là người gắn bó với công tác đào tạo đại học nhiều năm, ông suy nghĩ gì về sự thay đổi trong lựa chọn ngành nghề hiện nay của thí sinh?
Kết thúc mỗi mùa tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đều tổ chức rút kinh nghiệm và có những điều chỉnh, thay đổi để khắc phục. Năm 2016, Bộ GD-ĐT thống nhất tổ chức một số đoàn đi đến các trường ĐH khảo sát công tác tuyển sinh để có những thay đổi đồng bộ hơn. Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia với nhiều điểm thay đổi. Còn quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng, theo tôi Bộ GD-ĐT cần tính toán tính kỹ để hạn chế lượng thí sinh ảo; thiếu nguồn tuyển nhưng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhiều quyền lựa chọn và cũng nên cho phép các trường đại học tự chủ hơn trong công tác tuyển sinh thông qua các đề án tuyển sinh riêng của từng trường.
Vấn đề thu hút người học không còn là chuyện nhà trường mong muốn mà là trường có thỏa mãn được yêu cầu của thí sinh và phụ huynh hay nói một cách rộng ra là đào tạo có đáp ứng nhu cầu xã hội hay không, có như vậy người học mới lựa chọn. Từ sự thay đổi này, tôi nghĩ rằng, tất cả các trường đại học trong cả nước phải nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường đầu tư trang thiết bị, cải tiến chương trình đào tạo. Điều này, một mình trường đại học không thể làm tốt, quan trọng hơn là cần có một chính sách đồng bộ thì mới có sự thay đổi về chất trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay.
Nguyên Hoa (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc