Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm giáo viên vùng sâu

09:02, 27/11/2016

Không quản ngại khó khăn vất vả, ngày qua ngày, những thầy cô giáo vẫn miệt mài bám trường, bám lớp, luân phiên đến vùng sâu, vùng xa “gieo chữ” cho học sinh nghèo…

Khó khăn, vất vả trăm đường

Từ trung tâm thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk), vượt quãng đường gần 40 km, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, chúng tôi tìm đến điểm lẻ của Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kdăm ở buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê. Buôn Đắk Sar được thành lập vào năm 2011, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư vào. Cả buôn có khoảng 260 hộ thì có đến gần 250 hộ nghèo.

Giờ sinh hoạt của cô trò Trường Mầm non Hoa Phượng (buôn H’Mông, xã Ea Kiết).
Giờ sinh hoạt của cô trò Trường Mầm non Hoa Phượng (buôn H’Mông, xã Ea Kiết).

Trong căn phòng để dụng cụ học tập được tận dụng làm nơi sinh hoạt vì chưa có nhà nội trú, cô H’Thịnh Kmăn (SN 1991), nhà ở xã Yang Tao (cách Đắk Sar khoảng 50 km) tâm sự: “Ngày đầu khi đến đây, khi thấy đường sá đi lại quá lầy lội, nước sinh hoạt lúc có lúc không, điện thì chưa có… khiến mình bị “sốc” và có ý định bỏ nghề về nhà. Theo thời gian, chứng kiến các em học sinh nơi đây chịu nhiều thiệt thòi vì thiếu cái ăn cái mặc, mình thấy thương vô cùng. Nhiều đêm nằm suy nghĩ, ai cũng bỏ nghề thì lấy ai dạy dỗ các em. Vậy nên mình quyết tâm bám trụ với học sinh nghèo nơi đây”...

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong).
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong).

Theo chân thầy Y Lương Ayun (SN 1987, giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi), chúng tôi đến điểm trường buôn Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar), nơi sinh sống của hơn 80 hộ dân đồng bào Mông di cư tự do vào từ năm 1998. Từ trung tâm xã Ea Kiết, chúng tôi phải mất gần 1 giờ đồng hồ để vượt gần 10 km đường rừng ngoằn ngoèo với chằng chịt ổ gà, ổ voi bụi mù mịt. Điểm trường trong buôn nằm lọt thỏm giữa rừng sâu. Thầy Y Lương kể, 7 năm đi dạy cũng là chừng ấy thời gian anh gắn bó với học sinh nghèo nơi đây. Do người dân không chịu ra nơi ở mới (khu tái định cư cách trung tâm xã khoảng 5 km) nên trường phải luân phiên cử người vào đây để dạy các em. Vào mùa mưa, các thầy cô phải xắn quần, xách dép lội bộ nên chuyện bị trượt chân, té xuống suối hay giáo án nhúng bùn diễn ra hằng ngày.

Những điều trăn trở

“Với chúng tôi, chỉ cần học sinh biết đến ngày Nhà giáo Việt Nam đã là một niềm hạnh phúc. Ở cái nơi “thâm sơn cùng cốc” này, học sinh còn chưa đủ cơm ăn áo mặc thì lấy đâu ra hoa, ra quà”- giọng cô Trần Thị Kim Cúc (giáo viên Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) ngậm ngùi khi nhắc đến ngày 20-11. Có thâm niên 26 năm đi dạy, năm nào cô Cúc nhận được những bông hoa dại ven rừng, hay vài trái bắp, củ khoai từ những đứa học trò đen nhẻm… Với cô, chỉ chừng ấy thôi cũng đã đủ làm mình cảm thấy “ấm lòng”. Cô bảo, cầm món quà trên tay mà cảm giác không thể gọi tên, lòng xót xa cho mình thì ít mà thương lũ học trò thơ dại, cuộc sống khó khăn thì nhiều.

Học sinh buôn H’Mông chơi đùa trước khi vào học.
Học sinh buôn H’Mông chơi đùa trước khi vào học.
 
Hằng năm, mỗi khi đến ngày 20-11, chúng tôi cũng có chút chạnh lòng, nhưng cảm giác này cũng nhanh chóng qua đi. Bởi, ngày Nhà giáo Việt Nam cũng chỉ là một ngày, còn giáo dục là công việc cả năm, cả đời. Đến ngày lễ, chỉ cần học trò khoanh tay lễ phép nói lời chúc mừng là chúng tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi
 
Nguyễn Thị Ca, giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Phong (thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông)

Chia sẻ thêm với chúng tôi, cô Võ Thị Hoa Vân (Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) cho biết, vẫn có nhiều người nghĩ nghề giáo nhàn hạ, mỗi tuần chỉ dạy vài tiết, giáo án thì cứ “bổn cũ soạn lại” là xong khiến nhiều thầy cô giáo chạnh lòng. Thực ra, để hoàn thành tốt công việc của mình, giáo viên phải mất nhiều thời gian thiết kế giáo án, chuẩn bị đồ dùng học tập, rồi chấm bài, công tác chủ nhiệm… Đó là chưa kể phải lặn lội hàng chục cây số đường lầy lội đến với học trò, thậm chí nhiều hôm phải bỏ bữa trưa để đến tận nhà học sinh vận động, thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng bằng tình yêu thương học trò vùng khó, nhiều thầy cô giáo đã âm thầm bám bản làng, bám trường lớp. Họ có mặt ở những nơi heo hút để giúp các em học sinh ê a đánh vần từng con chữ. “Gieo chữ” ở vùng cao dẫu còn nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng cũng rất đáng tự hào.  

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.