Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn con chữ trên vùng đất khó

09:01, 27/11/2016

Mỗi ngày thấy các em học sinh đến lớp đông đủ là niềm vui lớn nhất trong nghề đối với cô giáo Hoàng Thị Lang (dân tộc Mông, ở thôn Giang Đông, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng).

Tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non, cuối năm 2014, cô Lang được phân công về dạy học tại điểm Trường Mẫu giáo Hoa Cúc Trắng ở thôn Giang Đông (xã Ea Đăh). Cuộc sống ban đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng cô đều là người dân tộc Mông nên khá thuận lợi trong giao tiếp, cũng như hiểu rõ phong tục tập quán người dân trong thôn.

Dân cư thôn Giang Đông chủ yếu là người Mông, kinh tế còn khó khăn, trình độ dân trí khá thấp… Dù chỉ cách trung tâm xã tầm 15 km, nhưng để đến thôn phải mất cả giờ đồng hồ bởi đường đi gập ghềnh, ngoằn nghoèo. Trước đây, điểm trường ở Giang Đông chưa xây nên cả lớp phải học nhờ ở nhà cộng đồng thôn. Thương nhất là các em học sinh, bởi lớp học tuềnh toàng, không có điện, không quạt nên mùa khô khá oi bức, mùa mưa lạnh thì rét tê tái… Khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học nhưng đa phần các em đều ham đến lớp, háo hức được gặp gỡ, học hành cùng bè bạn. Nhìn lũ học trò nhỏ say mê học tập, cô Lang như có thêm động lực để tiếp tục với sự nghiệp trồng người. Mới đây, được lực lượng công an xây tặng điểm trường mới, khang trang, kiên cố nên việc dạy và học thuận lợi hơn.

Cô Hoàng Thị Lang chuyện trò cùng các em nhỏ trong thôn.
Cô Hoàng Thị Lang chuyện trò cùng các em nhỏ trong thôn.

Lớp của cô Lang có trên 20 trẻ, với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó nhiều em nói tiếng Việt chưa sõi, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nên trẻ không có nhiều đồ chơi, quần áo tươm tất để mặc đến trường. Giúp các em gắn bó với môi trường mới và thích thú với các buổi học, cô tận tình dạy chữ, hướng dẫn tập tô, vẽ và hát. Đồng thời đưa ra những phương pháp giảng dạy sáng tạo, giúp trò dễ tiếp thu hơn. Đơn cử như, với các trò chậm hiểu tiếng phổ thông, cô dạy chậm hơn, đồng thời nói song ngữ (cả tiếng Mông và tiếng Việt), minh họa cụ thể để các em nắm chắc bài học.

 
Được địa phương, nhà trường vận động thường xuyên, nên nhận thức của các gia đình trong thôn cũng tiến bộ hẳn. Hơn nữa, thôn cũng được tạo điều kiện để xây điểm trường mới nên việc học của các em thuận tiện hơn. Những năm gần đây, trẻ đến trường khá đều đặn, rất ít trường hợp bỏ học giữa chừng để theo bố mẹ lên nương rẫy như trước kia. 
 
Hoàng Thị Lang tâm sự

 

“Thương nhất là những ngày mưa lạnh, lũ trẻ vẫn đòi được bố mẹ đưa đến trường, dù trên người chỉ mặc những tấm áo mỏng, cũ kỹ. Tuy mới vào nghề được vài năm, nhưng chính tình cảm của học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn này đã cho tôi nhiều bài học quý về tình cảm cô – trò và bà con trong thôn” – cô Lang tâm sự.

Hằng ngày, ngoài giờ dạy học trên lớp, cô gom các loại chai lọ, xốp, đồ phế liệu để tận dụng làm đồ chơi, học cụ cho các em. Những mẫu hình cô sáng tạo là hình các loại thực vật, cây cảnh, động vật… để trẻ dễ hình dung và tiếp thu tốt hơn bài giảng.

Không chỉ tận tình dạy dỗ các em, cô Lang còn giỏi may vá trong gia đình. Được mẹ “rèn” tay nghề từ nhỏ, nên cô Lang khá thông thạo đường kim, mũi chỉ. Hầu hết áo quần của chồng, con, đặc biệt là trang phục truyền thống của đồng bào Mông, cô đều tranh thủ thời gian tự cắt may và tạo nhiều mẫu mới khá đẹp mắt.

Sẻ chia về người bạn đời của mình, cô Lang tự hào: “Chồng mình rất tâm lý. Những lúc vợ bận đi dạy học hay soạn giáo án, bài giảng, anh đều vui vẻ chủ động giúp đỡ công việc nhà, phụ việc chăm sóc con nhỏ, đồng thời động viên mình hoàn thành tốt công việc chuyên môn”. 

 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc