Multimedia Đọc Báo in

Vốn tiếng Việt hạn chế, học sinh người Mông khó tiếp thu bài học

09:48, 22/11/2016

Huyện Krông Bông có 4.327 học sinh là người dân tộc Mông, chủ yếu tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.

Mặc dù đã áp dụng nhiều giải pháp song chất lượng giáo dục đối với học sinh người Mông vẫn rất thấp, đặc biệt là ở bậc Tiểu học. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vốn tiếng Việt của học sinh còn nhiều hạn chế.

Khi vào học lớp 1, nhiều em rất khó khăn trong việc tiếp thu bài học do vốn tiếng Việt không đáp ứng được yêu cầu nghe, hiểu; chỉ ghi nhớ một cách máy móc, rất dễ quên. Đến khi lên lớp 2, lớp 3, không ít học sinh vẫn đọc rất chậm khiến giáo viên khó áp dụng phương pháp mới trong dạy học. Cô Trần Thị Ái Vân, giáo viên lớp 2G Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) chia sẻ: “Lớp có 31 học sinh người Mông thì chỉ có 8 em đọc không phải đánh vần; những em còn lại thì vừa đánh vần, vừa đọc, thậm chí có những em đọc rất kém. Một tiết tập đọc có khi phải kéo dài đến 60 phút mà vẫn không hiệu quả”.

Một tiết học của lớp 2G Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).
Một tiết học của lớp 2G Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông).

Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui) hiện có 1.437 học sinh là người dân tộc Mông. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học chỉ đạt 95%. Một số học sinh lớp 2, lớp 3, thậm chí lớp 4 đọc vẫn còn phải đánh vần. Cô Lường Thị Thanh Minh, giáo viên lớp 4 B1, Trường Tiểu học Cư Pui 2 trăn trở: “Tuy học lớp 4 nhưng có một số em đọc vẫn còn phải đánh vần. Vì vậy, trên góc bảng của lớp lúc nào cũng phải có bảng chữ cái để đầu giờ học, giờ ra chơi, trước khi ra về những em đọc còn yếu phải thường xuyên đọc cho nhớ mặt chữ”. Tương tự, ở Trường Tiểu học Yang Hăn (xã Cư Đrăm), chất lượng giáo dục học sinh người Mông cũng rất thấp do khả năng tiếng Việt của học sinh còn hạn chế.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, các trường phải tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh, tuy nhiên, việc này cũng gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thốn về kinh phí, cơ sở vật chất, thời gian… Nhiều giáo viên tâm huyết muốn phụ đạo cho các em vào ngày thứ bảy và chủ nhật nhưng các em không đến lớp; nhiều người tranh thủ dạy thêm vào đầu giờ học, giờ ra chơi, những tiết hoạt động ngoài giờ… nhưng không hiệu quả. Mới đây, Dự án DA18 (do tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam thực hiện) đã hỗ trợ kinh phí cho Trường Tiểu học Cẩm Phong mở 4 lớp làm quen tiếng Việt trong hè cho hơn 100 học sinh người Mông chuẩn bị vào lớp một song các em chỉ đi học được mấy hôm rồi nghỉ ở nhà. Cô Hoàng Thị Thùy, giáo viên lớp 1G Trường Tiểu học Cẩm Phong cho biết: “Đa số các em rất lười đi học trong hè. Nhiều em đi học được vài tuần rồi ở nhà, giáo viên phải đến từng gia đình để vận động nhưng các em vẫn không ra lớp”.

Lãnh đạo pgd-đt Krông Bông kiểm tra học sinh đọc ở Trường TH Yang Hăn
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Krông Bông kiểm tra học sinh đọc ở Trường Tiểu học Yang Hăn.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh là người dân tộc Mông, nhất thiết phải cải thiện vốn tiếng Việt cho các em. Thiết nghĩ, muốn làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo thì các địa phương cần phải đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí để phụ đạo, mở thêm các lớp mầm non; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để phụ huynh đưa trẻ ra lớp mầm non; vận động trẻ em tham gia học, làm quen với tiếng Việt trong hè. Đặc biệt, các lớp mầm non ở các khu vực này cần tăng thời lượng nội dung tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi và triển khai chương trình làm quen với tiếng Việt ngay từ lớp mầm non 3 tuổi. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc