Những nữ nhà giáo có nhiều sáng tạo trong dạy học
Cả hội trường tham dự buổi tọa đàm “Nữ nhà giáo với việc đổi mới, sáng tạo trong cách dạy học” do Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 mới đây, im phăng phắc chăm chú dõi theo câu chuyện “10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc” do cô giáo Ngọ Thị Hiền đến từ Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) trong vai nữ hướng dẫn viên du lịch kể.
Cô Ngọ Thị Hiền đang kể câu chuyện "10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc" |
Câu chuyện đã kết thúc, nhưng mọi người vẫn im lặng để tỏ lòng thành kính trước tinh thần quả cảm, sự hy sinh cao cả của 10 nữ thanh niên xung phong tuổi mới mười chín, đôi mươi.
Chiếm đến 70% tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục tỉnh, các nữ nhà giáo đã có nhiều việc làm thiết thực, không ngừng nỗ lực, rèn luyện phẩm chất, năng lực, đổi mới tư duy, sáng tạo trong giảng dạy, công tác với tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu. Đổi mới giáo dục bắt đầu từ những việc nhỏ hằng ngày để việc làm hôm nay hiệu quả hơn hôm qua.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT
|
Cô Hiền chia sẻ: “Trăn trở trước thực trạng chung của ngành khi có nhiều học sinh không thích học Sử, tôi đã dành thời gian tìm hiểu nguyên nhân các em “quay lưng” với môn Sử và tôi nhận ra trong đó một phần có lỗi của giáo viên. Để các em hứng thú với tiết Sử, tôi cố gắng dạy như kể câu chuyện dài kỳ. Mỗi tiết dạy giống như một tập trong câu chuyện xuyên suốt đó. “10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc” là một trong nhiều câu chuyện lịch sử được tôi thiết kế như vậy. Cuối mỗi tiết dạy, tôi gợi mở bằng một câu chuyện hoặc một sự kiện hấp dẫn nào đó để các em háo hức chờ đợi những giờ học Lịch sử hấp dẫn, sinh động”. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, cô Hiền còn sưu tầm tranh, ảnh, các clip cho học sinh xem để minh họa bài giảng. Nhờ vậy, học trò ở Trường THPT Ngô Gia Tự mê tiết Sử.
Cô giáo Giang Thị Nhuận, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Yang Reh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) thì có cách làm sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Năm 2012, cô Nhuận tổ chức ăn bán trú cho học sinh dù cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn (thiếu phòng học, chưa có bếp ăn, phòng làm việc của Ban giám hiệu cũng phải mượn Nhà văn hóa cộng đồng buôn); đặc biệt là sự thiếu hợp tác của phụ huynh. Sau khi bàn bạc kỹ trong Ban giám hiệu, cô Nhuận quyết định sử dụng một phòng học làm bếp ăn; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh qua các buổi họp đầu năm, cuối năm.
Cô Giang Thị Nhuận, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Yang Reh (thứ 2 từ phải sang) tham gia chương trình tọa đàm nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. |
Về phía nhà trường, cô Nhuận tập trung đổi mới phong cách quản lý, thực hiện kỷ cương, nền nếp trong chuyên môn, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ. Ban đầu chỉ có 90 trẻ ăn bán trú, nhưng năm học sau đã có hơn 200 trẻ.
Hiện nay, một số phụ huynh dân tộc thiểu số trên địa bàn mong muốn trường tổ chức lớp bán trú dân nuôi, nhưng do thiếu giáo viên nên nhà trường chưa tổ chức. Sự nỗ lực của nữ hiệu trưởng, của tập thể Hội đồng nhà trường đã được đền đáp xứng đáng, dù ở vùng sâu, vùng xa, còn nhiều thiếu thốn, nhưng Trường Mẫu giáo Yang Reh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong năm học 2016-2017.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc