Multimedia Đọc Báo in

Cô học trò nghèo và niềm đam mê môn Lịch sử

16:25, 15/05/2017

Ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) các thầy cô luôn nêu gương em Phạm Phương Trinh, lớp 9A1 để các em học sinh trong trường noi theo.

Nhìn dáng người mảnh khảnh, ít ai nghĩ em là một cô bé giàu nghị lực vượt qua hoàn cảnh hết sức khó khăn của gia đình để vươn lên học giỏi. Nhà em thuộc hộ nghèo lại có đến 5 anh em nên bố mẹ phải lặn lội kiếm tiền từ việc buôn đồng nát, bán từng nải chuối trong vườn để nuôi các con ăn học. Hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình, em luôn có ý thức phấn đấu duy trì thành tích học tập xuất sắc.

Không có tiền mua sách mới, em đi xin hoặc mượn lại của các anh chị đi trước để về học. Những cuốn sách cũ được em ngồi cặm cụi bao bọc, dán lại từng trang bị rách. Chẳng có điều kiện để đến bất cứ lớp học thêm nào, ngoài giờ học trên lớp, em dành hết thời gian cho việc tự học ở nhà, phụ giúp bố mẹ và chăm hai em nhỏ. Trinh luôn xây dựng cho mình kế hoạch học tập chủ động. Trên lớp, em chú ý nghe thầy cô giảng; ở nhà, em chủ động xem trước nội dung các môn học chính, sau đó lên kế hoạch tự học trước các bài giảng của ngày hôm sau.

Trinh chia sẻ, cách học tốt nhất là phải chuẩn bị bài thật kỹ trước khi đến lớp và hăng hái phát biểu xây dựng bài, bởi như vậy sẽ nhớ được lâu hơn. Nhờ chuẩn bị kỹ bài vở trước ở nhà nên em hiểu bài nhanh và nắm vững kiến thức hơn qua mỗi bài học. Dành tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử, em có thể ngồi hằng giờ cần mẫn bên những sự kiện xảy ra trong quá khứ hoặc một giai đoạn lịch sử nào đó mà không hề biết chán. Say sưa với bộ môn này, Trinh luôn cố gắng tìm tòi, học thêm nhiều sự kiện lịch sử ngoài sách giáo khoa. Em tìm cho mình cách tiếp cận riêng và hiệu quả nhất.

Theo Trinh, học Lịch sử không phải là học thuộc lòng mà phải hiểu ý nghĩa và giá trị lịch sử của các sự kiện; cách học tốt nhất là vẽ sơ đồ nội dung bài học, chia ra từng phần nhỏ hoặc phân thành các mốc thời gian để nhớ lâu và nắm các sự kiện chính. Em rèn cách học mọi lúc mọi nơi, trong giờ ra chơi, lúc đang nấu ăn… vẫn có thể lẩm nhẩm để hệ thống lại những kiến thức, sự kiện quan trọng đã học. Chính điều này làm cho môn Lịch sử với em không phải là những con số khô khan, nhàm chán mà ngược lại rất phong phú, sinh động và em luôn coi đó như một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mình, Trinh chia sẻ, càng học em càng thấy “mê” bởi ý chí và cách dàn binh trong mỗi trận đánh của người xưa. Mỗi bài học kinh nghiệm và giá trị lịch sử ấy còn giúp em rút ra cho mình những bài học  quý báu. Cũng như vậy, vừa qua Trinh đã đoạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử.

Thầy giáo Bùi Đăng Khoa, chủ nhiệm lớp 9A1 cho biết, tuy hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhưng em rất ham học và  có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập. Trinh rất sôi nổi trong các giờ học trên lớp, học giỏi đều tất cả các môn và luôn nhiệt tình trao đổi, giúp đỡ các bạn học yếu hơn.

Nói về ước mơ của mình, Trinh chia sẻ, em sẽ luôn dành tình yêu với môn Sử và mong muốn sau này có cơ hội được nghiên cứu chuyên sâu hơn về Lịch sử Việt Nam, truyền dạy kiến thức và khơi dậy niềm đam mê lịch sử với các bạn trẻ. Bởi, đã là người Việt phải hiểu biết về sử Việt để thêm yêu và trân trọng những hy sinh, cống hiến cha ông ta ngày trước.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.