Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng cho năm học mới

07:11, 21/08/2017

Đến nay ngành Giáo dục tỉnh cơ bản hoàn tất mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho năm học mới 2017-2018.

Chỉnh trang trường lớp học

Đến thăm Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Tất Thành (huyện Cư M’gar) khi ngày khai giảng năm học cận kề, chúng tôi cảm nhận được niềm phấn khởi của thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh khi nhà trường chuẩn bị đưa vào sử dụng dãy nhà hai tầng khang trang, sạch đẹp. Thầy giáo Trần Mẫn, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “8 phòng học này được xây dựng từ rất lâu, nay đã xuống cấp. Năm học này, nhà trường được huyện đầu tư kinh phí tu sửa, thầy cô giáo và học sinh sẽ có thêm động lực phấn đấu thi đua dạy tốt - học tốt xứng đáng là trường trọng điểm của huyện”.

 Tương tự tại Trường THCS Ea Hiu (huyện Krông Pắc) mặc dù thời tiết gần đây không thuận lợi, nhưng đơn vị thi công đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ sửa chữa nhà hiệu bộ và 8 phòng học để kịp thời đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới. Thầy giáo Phạm Công Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này, đơn vị được huyện đầu tư 500 triệu đồng để sửa chữa nhà hiệu bộ; còn kinh phí tu sửa 8 phòng học từ nguồn tiết kiệm chi tiêu nội bộ và đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh.

Huyện M'Đrắk đang gấp rút sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp trước thềm năm học mới 2017-2018.
Huyện M'Đrắk đang gấp rút sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp trước thềm năm học mới 2017-2018.

Trong khi đó, không khí chuẩn bị cho năm học mới tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh cũng ở xã Ea Hiu (huyện Krông Pắc) - nơi có đến 95% học sinh dân tộc thiểu số cũng rộn ràng, tất bật không kém. “Nhà trường đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm được trên 300 bộ sách giáo khoa mới và 100 bộ sách giáo khoa cũ tặng học sinh dân tộc thiểu số và các em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, năm học 2017-2018, nhà trường được tài trợ 40 suất học bổng tặng học sinh nghèo hiếu học và hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh”, thầy giáo Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng nhà trường vui mừng chia sẻ.

Năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 1.013 trường học các cấp (tăng 1 trường so với năm học trước), 15.075 phòng học, với 455.763 học sinh; trong đó học sinh dân tộc thiểu số 159.846 em. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh đã được đầu tư hơn 240 tỷ đồng xây dựng mới 85 phòng học, sửa chữa 280 phòng học và các công trình phụ trợ khác. Cùng với đó, ngành còn được đầu tư gần 71 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học, trong đó kinh phí thực hiện tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) là 50,757 tỷ đồng, các địa phương thực hiện 20 tỷ đồng.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Trao đổi với phóng viên về nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2017-2018, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trên cơ sở Chỉ thị của Bộ GD-ĐT, căn cứ tình hình thực tiễn, đặc thù của địa phương, ngành Giáo dục tỉnh xác định 9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học này. Cụ thể: Tập trung rà soát mạng lưới trường lớp; Đào tạo, bồi  dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ; Triển khai dạy học 2 buổi/ngày; Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng dạy học 2 buổi/ngày, chuẩn hóa, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất ở những trường vùng sâu, vùng xa, đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; Giảm khoảng cách giáo dục giữa các vùng, miền; Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp.

Các cháu Trường Mầm non Tuổi Thơ, huyện Ea Súp háo hức vui chơi trong ngôi trường mới.
Các cháu Trường Mầm non Tuổi Thơ, huyện Ea Súp háo hức vui chơi trong ngôi trường mới.

Ông Khoa cho biết thêm, để triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trên, ngành Giáo dục đã xây dựng 5 nhóm giải pháp: cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý; Chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể quan tâm, đồng hành hơn nữa với ngành giáo dục; Tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, kiểm  định chất lượng giáo dục và đẩy mạnh công tác truyền thông. Trong 5 giải pháp trên, ngành Giáo dục đặc biệt tập trung nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý để ngày càng trao nhiều hơn quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cán bộ quản lý - đây là giải pháp quyết định thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.