Gieo chữ ở Đắk Sar
Cách thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) khoảng 30 km, điểm trường Đắk Sar (thuộc Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm ở buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê) là điểm trường ở vùng sâu, vùng xa nên việc dạy và học đối diện với nhiều khó khăn.
Những hy sinh thầm lặng
Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi theo chân thầy giáo Hoàng Ngọc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm vào thăm điểm trường Đắk Sar. Từ điểm trường chính để đến được điểm trường Đắk Sar chúng tôi phải vượt qua con đường đất gồ ghề đầy dốc, bụi, ổ gà.
Sau hơn 20 phút, chúng tôi đến điểm trường Đắk Sar. Điểm trường gồm một dãy nhà 2 tầng, và một dãy nhà cấp 4 xây dựng bên lưng một quả đồi. Nơi đây có 8 lớp học với 166 học sinh. Cô H’Diệu Tuyết (SN 1991) đang cầm tay nắn nót từng nét chữ cho các em học sinh. Cô cho biết, đã có ba năm gắn bó với học sinh nơi đây. Nhà ở cách trường 35 km nên hằng ngày cô phải dậy từ sáng sớm để vào cho kịp giờ dạy. Những ngày mưa, con đường lầy lội, té lên té xuống; có khi mưa lớn quá xe máy không chạy nổi phải gửi lại cách trường 3 km rồi đi bộ vào. “Vất vả là vậy nhưng nghĩ những học trò nhỏ cũng đang lội bộ băng rừng, áo quần lấm lem bùn đất đợi cô giáo ở lớp là có động lực đến với trường lớp”, cô H’Diệu Tuyết tâm sự.
Bữa cơm trưa đạm bạc của hai học sinh ở điểm trường Đắk Sar. |
Thầy Y Măn Rơ Dam, phụ trách điểm trường cho biết, ở đây có 8 thầy cô giáo, nhưng chỉ có 3 giáo viên được biên chế, còn lại là hợp đồng. Mỗi giáo viên hợp đồng có thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nhà ở cách trường gần nhất cũng 20 km, mỗi tháng chi phí xăng xe khoảng 1 triệu đồng nên cuộc sống của họ hết sức khó khăn. Dù vậy, tháng nào các thầy cô cũng bớt một phần lương ít ỏi mua dụng cụ học tập tặng học sinh. “Học sinh ở đây chủ yếu là con em dân tộc thiểu số, gia đình đông con, kinh tế khó khăn nên các thầy cô cố gắng hỗ trợ một phần nhỏ để các em đỡ thiệt thòi”, thầy Y Măn chia sẻ.
Con chữ lớn lên trong gian khó
Giờ ra chơi, những đôi chân trần lem luốc bụi bẩn của những đứa trẻ tung tăng chạy nhảy vui đùa. Lúc đó, có một người đàn ông điều khiển xe máy dừng ở sân trường, nhanh chân đi vào trường, sau đó trở ra cùng một bé gái. Người đàn ông này mở cốp xe lấy ra một bịch ni lông nhỏ, bên trong có một vật cỡ ba ngón tay người lớn đưa cho bé gái. Nhận vật này, mắt bé gái sáng lên rồi nhanh chân chạy ùa vào lớp. Người đàn ông đó là Giàng A Ngài. Anh nói: “Đem cho hai chị em nó khúc cá để trưa ăn với cơm. Sáng nay hai đứa đi học chỉ mang cơm trắng. Mấy hôm rồi nhà không có tiền, sáng hôm nay có người thuê đi làm công, tranh thủ buổi trưa xin chủ cho tạm ứng mấy chục ngàn về mua mấy khúc cá nấu vội mang lên cho chúng. Ăn cơm với muối mãi lấy sức đâu mà học”. Anh Ngài năm nay mới 30 tuổi nhưng đã có 5 đứa con, nhà rẫy nương ít nên phải đi làm thuê mới đủ ăn. Hằng ngày, vợ chồng đi làm phải mang theo hai con nhỏ, đứa lớn đang học nội trú ở thị trấn, còn hai đứa học tiểu học thì mang theo cơm nắm và tự đi bộ đến trường. Nhà cách trường 3 km, phải qua nhiều con suối, quả đồi nên hơn 4 giờ sáng phải dậy chuẩn bị rồi đi bộ đến trường mới kịp giờ học.
Một lớp học ở điểm trường Đắk Sar. |
Thấy tôi băn khoăn chuyện ăn uống, đi lại của học trò, thầy Hoàng Ngọc Phương giải thích: “Bà con ở không tập trung, hộ ở xa nhất cách trường cả chục cây số. Do điều kiện kinh tế khó khăn, bố mẹ không thể đưa đón đến trường mà các em phải tự đi. Học cả ngày nên các em phải mang cơm để ăn vào buổi trưa”. Tiếng trống kết thúc buổi học vang lên, em Mà A Mạnh, học sinh lớp 2 lấy trong cặp ra một tô cơm nguội, và 2 miếng đường cục màu vàng bằng hai ngón tay. Mỗi thìa cơm em lại cắn một miếng đường nhỏ ăn ngon lành. Không riêng Mạnh, phần lớn học sinh ở đây trong cặp ngoài sách vở là những nắm cơm được đựng trong hộp nhựa, túi ni lông, lá chuối... để ăn buổi trưa. Quan sát thấy chỉ có một số ít em bữa cơm trưa có thịt, cá còn phần đông ăn cơm với muối, mỳ tôm sống và đường. Đáng thương hơn, nhiều em phải ăn cơm chan với nước suối.
Thầy Trần Văn Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm cho biết, Trường được tách ra từ Trường Tiểu học Lý Tự Trọng vào năm 2014, với 3 điểm trường, 14 lớp, 236 học sinh, trong đó điểm trường Đắk Sar có đông học sinh và khó khăn nhất. Tuy vậy, phụ huynh ở đây rất coi trọng việc học; còn học sinh ngoan ngoãn, hiếu học - đây chính là động lực để các thầy cô càng thêm gắn bó với mảnh đất này.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc