Multimedia Đọc Báo in

Sớm tháo gỡ bài toán thiếu giáo viên

15:53, 22/09/2017

Năm học 2017-2018 hầu hết các trường mầm non ở huyện Lắk đều thiếu giáo viên theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 16-3-2015 của liên Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (sau đây gọi là Thông tư 06).

Chính vì thiếu giáo viên nhiều trường mầm non công lập đã tự xoay xở để bảo đảm chất lượng và hiệu quả chăm sóc trẻ.

Câu chuyện thiếu giáo viên mầm non trở nên "nóng" hơn khi một số trường học thỏa thuận với phụ huynh thu các khoản tự nguyện phục vụ trực tiếp học sinh vào đầu năm học. Một phụ huynh có con học ở Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Liên Sơn) bức xúc: “Năm học này, phụ huynh phải đóng thêm các khoản như: nước uống tinh khiết, phí vệ sinh, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa nhỏ, trả lương lao công tạp vụ, trả lương chăm sóc trẻ, trực trưa hơn 1 triệu đồng (chưa kể khoản thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh). Trong đó khoản thu vô lý nhất là trả lương giáo viên chăm sóc trẻ 350.000 đồng/học sinh”. Theo vị phụ huynh này, cha mẹ học sinh không có trách nhiệm trả lương cho giáo viên trường công lập. Nếu nhà trường không đủ giáo viên để bố trí dạy, chăm sóc trẻ thì nên cắt giảm số lớp học xuống, đừng vì thiếu giáo viên mà bắt phụ huynh phải oằn mình chi trả.

 Giờ ăn trưa của các bé ỏ Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Liên Sơn).
Giờ ăn trưa của các bé ỏ Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Liên Sơn).

Cô Đặng Thị Thu Sương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho biết, năm học 2017-2018 trường có 130 cháu, bố trí 4 lớp học, nhưng chỉ có 4 giáo viên biên chế và 2 giáo viên hợp đồng. Theo Thông tư 06, đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày bố trí tối đa 2,2 giáo viên/lớp thì trường còn thiếu 2 giáo viên. Nhằm bảo đảm công tác nuôi dạy, chăm sóc trẻ từ 6 giờ 45 phút đến 17 giờ hằng ngày nhà trường đã thỏa thuận với phụ huynh thu 350.000 đồng/học sinh/năm học. Hầu hết phụ huynh đồng thuận với mức thu này, chỉ có một vài phụ huynh không đồng ý. Cô Sương cho biết, tình trạng thiếu giáo viên diễn ra nhiều năm nay. Nhà trường đã phản ánh với phòng GD-ĐT và chính quyền các cấp nhưng vẫn cứ… mong ngóng giáo viên. 

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, những năm học trước thầy cô giáo Trường Mầm non Sơn Ca động viên nhau gánh vác mọi việc. Năm học 2016-2017, có một giáo viên do tiền lương ít, công việc nặng nhọc đã bỏ việc, các thầy cô giáo tự góp tiền thuê khoán một giáo viên để gảm bớt áp lực công việc. Vào đầu năm học 2017-2018, căn cứ vào Công văn số 1038, ngày 31-7-2017 của Sở GD-ĐT về việc hướng dẫn các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từ năm học 2017-2018, nhà trường đã xây dựng phương án, thỏa thuận với phụ huynh mức đóng góp để thuê khoán 2 giáo viên với mức lương 2,5 triệu đồng/người/tháng.    

 
“Thanh tra Sở GD-ĐT đang tiến hành kiểm tra tại một số phòng GD-ĐT và đơn vị trực thuộc có phản ánh về việc thu thêm các khoản thu ngoài quy định, có dấu hiệu lạm thu. Nếu xác định khoản thu nào trái quy định, không đúng theo hướng dẫn, Sở sẽ yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho phụ huynh học sinh” 
 
Ông  Phạm Đăng Khoa,  Giám đốc Sở GD-ĐT.

Tương tự, Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) cũng đã vận động phụ huynh đóng góp mỗi cháu chưa đến 1.000 đồng/ngày để trả lương thuê khoán 2 giáo viên (2 triệu đồng/người/tháng) tổ chức bán trú cho trẻ. Cô giáo Lưu Thị Kim Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này số lượng trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường ở xã Đắk Liêng tăng đột biến.  Nhà trường đã tuyển sinh 382 cháu, tăng 41 cháu so với năm học trước, nhưng do thiếu giáo viên và cơ sở vật chất không bảo đảm nên chỉ ưu tiên nhận trẻ 4 - 5 tuổi, còn trẻ 3 tuổi chưa xem xét giải quyết.

Theo Thông tư 06 nhà trường thiếu 13 giáo viên, 2 cán bộ quản lý, 2 nhân viên cấp dưỡng; còn theo Thông tư 71 liên tịch số 71/2007/TTLT- BGDĐT-BNV của liên Bộ Nội vụ - GD-ĐT hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì trường thiếu 4 giáo viên. Để tổ chức bán trú theo yêu cầu của phụ huynh, nhà trường căn cứ vào Công văn số 1038 của Sở GD-ĐT tổ chức họp phụ huynh vận động kinh phí trả lương cho giáo viên thuê khoán. “Hơn 70% dân số của xã thuộc diện hộ nghèo, nhà trường rất cân nhắc trong việc huy động phụ huynh đóng góp nhằm san sẻ gánh nặng cho nhà trường và quan trọng hơn là đảm bảo công tác chăm sóc trẻ. Tuy nhiên đây cũng là giải pháp tạm thời, rất mong cấp trên sớm bổ sung đủ biên chế giáo viên và nhân viên mầm non theo Thông tư 06 để tránh lời ra tiếng vào”, cô Thu kiến nghị.

Tại điểm trường chính, Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) vẫn còn 2 phòng học tạm bợ.
Tại điểm trường chính, Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) vẫn còn 2 phòng học tạm bợ.

Trao đổi về các khoản thu tự nguyện đầu năm học, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, 80% ngân sách chi cho giáo dục dùng để trả lương, còn lại chi cho hoạt động khác. Thực tế tỷ lệ chi này thường thấp hơn, do đó để giải quyết bài toán khó khăn cho các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cần phải có sự xã hội hóa để chi trả lương cho giáo viên và nhân viên phục vụ cho buổi dạy học thứ hai. Tuy nhiên, việc thực hiện phải tuân thủ theo quy định, nghĩa là các nhà trường phải bàn bạc, thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh về phương án tổ chức dạy, về mức thu đảm bảo đủ chi tiền công cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng.

Thêm một cái khó nữa, hằng năm Bộ Nội vụ đều cắt giảm biên chế của ngành, trong khi đó quy định của ngành vẫn phải đảm bảo định mức giáo viên/lớp, đơn cử như Thông tư 06 quy định 2,2 giáo viên mầm non/lớp. Điều này dẫn đến các địa phương, trong đó có tỉnh  Đắk Lắk “vướng” khi triển khai Thông tư 06. “Các trường học cần làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh hiểu và chia sẻ khó khăn với ngành khi chưa tháo gỡ được bài toán biên chế giáo viên để tự nguyện đóng góp một số khoản thu phục vụ trực tiếp cho con em mình”, ông Khoa nhấn mạnh.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc