Multimedia Đọc Báo in

Krông Năng nỗ lực vận động học sinh đến trường

08:51, 03/10/2017

Nhờ nâng cao chất lượng giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn  huyện Krông Năng đã giảm đáng kể.

Theo chân một số giáo viên Trường THCS Chu Văn An (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đến thôn Giang Xuân để vận động học sinh ra lớp, vượt qua chặng đường đá mấp mô, chúng tôi mới thấu hiểu phần nào những vất vả, nhọc nhằn của người dân nơi đây cũng như quyết tâm của thầy cô giáo mang sứ mệnh “gieo chữ” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nằm cách trung tâm xã hơn 10 km, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 95% nên nhiều phụ huynh thường muốn con cái ở nhà phụ việc nương rẫy. Còn các em, sau một kỳ nghỉ hè cũng mang tâm lý ngại đến trường. Vì vậy việc thuyết phục học sinh đến lớp cũng là hành trình gian nan.

Khi chúng tôi đến nhà em Hứa Thị Tuyên (năm nay lên lớp 9A), một trong những học sinh vẫn chưa ra lớp, đúng lúc em vừa từ rẫy cà phê trở về. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, Tuyên tâm sự: “Em không đi học nữa đâu. Bố em mất sớm, mẹ cũng bỏ nhà đi. Cả ba anh em sống nương tựa vào bà nội đã ngoài 80 tuổi. Mặc dù đến trường được gặp bạn bè chơi đùa rất thích nhưng em phải ở nhà phụ giúp các anh lên rẫy”. Hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn của Tuyên, các thầy cô giáo đã giải thích cho các em hiểu tầm quan trọng của việc học; vận động hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập… để giúp Tuyên tiếp tục trở lại trường.

Các thầy cô giáo đến nhà động viên em Hứa Thị Tuyên (thôn Giang Xuân, xã Ea Dăh) đến lớp.
Các thầy cô giáo đến nhà động viên em Hứa Thị Tuyên (thôn Giang Xuân, xã Ea Dăh) đến lớp.

Tuyên chỉ là một trong rất nhiều trường hợp vì điều kiện kinh tế khó khăn mà phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp gia đình. Và năm nào cũng vậy, để tạo điều kiện giúp các em đến trường thuận lợi nhất, các thầy cô giáo lại phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, nhà trường còn lập danh sách hỗ trợ học phí, sách vở, dụng cụ học tập, áo quần, tranh thủ những nguồn tài trợ để tặng học bổng, phương tiện đến trường cho học sinh nghèo; mở lớp phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém, tổ chức hoạt động ngoài trời, vui chơi bổ ích... để giúp các em vui vẻ đến trường. Cô Hoàng Thị Hoa Hiên, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Mặc dù việc vận động các em ra lớp gặp rất nhiều khó khăn, nhưng bằng cái tâm với nghề cộng với những giải pháp mà nhà trường thực hiện trong thời gian qua đã giúp tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 98%. Đó là niềm vui và cũng là niềm tự hào của toàn thể cán bộ, giáo viên nhà trường”.

Ông Đỗ Viết Long, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Năng cho biết, những năm trước đây huyện gặp rất nhiều khó khăn trong công tác vận động học sinh ra lớp. Để kịp thời khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đi học không thường xuyên, UBND huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục, chính quyền các xã tăng cường công tác vận động học sinh ra lớp. Bằng những nỗ lực của nhà trường và chính quyền địa phương nên năm học này toàn huyện chỉ còn 24 học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất trong 5 năm qua. Hiện nay, toàn huyện có hơn 27.690 học sinh, tỷ lệ học sinh ra lớp cấp THCS đạt trên 99,4%, học sinh tiểu học đạt 99,7 % và học sinh mẫu giáo đến trường đạt 95%. 

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.