Multimedia Đọc Báo in

Khi thầy giáo từng là người lính

10:00, 27/11/2017

Sau khi học hết phổ thông, anh Nguyễn Ngọc Thế tạm gác lại ước mơ làm giáo viên để lên đường nhập ngũ. Anh trở thành chiến sĩ biên phòng, đóng quân tại Đồn 755 tại  Đắk Mil (Đắk Nông).

Năm 1999 rời quân ngũ, anh Thế quyết định chọn mảnh đất Tây Nguyên để lập thân, lập nghiệp. Quyết tâm thực hiện ước mơ trở thành nhà giáo, anh thi đỗ và theo học Khoa giáo dục Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk.

Tốt nghiệp năm 2003, anh được tuyển dụng về dạy tại điểm trường nơi “cổng trời” Ea Rớt thuộc Trường Tiểu học Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông), một trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn cách trung tâm xã 25 km, cơ sở vật chất còn thiếu thốn tạm bợ, học sinh hầu hết là người dân tộc Mông, vốn tiếng Việt còn hạn chế. Khó khăn là vậy, nhưng bằng nhiệt huyết của người thầy từng khoác áo lính, anh Thế đã không quản ngại cảnh xa nhà, xa quê, hằng ngày bám trường, bám lớp tận tình chỉ dạy cho học sinh. Anh còn dành thời gian phụ đạo ngoài giờ cho những học sinh yếu kém; sẵn sàng đến tận nhà tìm hiểu, vận động, thuyết phục học sinh bỏ học đi học lại. Nhờ sự góp sức của những giáo viên như anh Thế nên dù ở vùng có điều kiện cực kỳ khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm của Trường Tiểu học Cư Pui thấp, học sinh lên lớp chiếm tỷ lệ cao.

Thầy Thế ( mặc áo sơ mi trắng) đang bàn bạc với BGH phương án thoát nức đọng sau cơn bão số 12
Thầy Thế ( mặc áo sơ mi trắng) đang bàn bạc với BGH nhà trường phương án thoát nước đọng sau cơn bão số 12.

Vừa vững về chuyên môn, vừa nhiệt tình với công việc nên năm 2006 anh Thế vinh dự được kết nạp Đảng, để rồi một năm sau được tín nhiệm đề bạt giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui. Đến năm 2014, anh được tín nhiệm đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong).

Gồm 4 điểm trường lẻ, cách xa nhau từ 3 - 5 km, Trường Tiểu học Cẩm Phong có số học sinh đông thứ hai trong toàn huyện với 739 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 73,8%. Khi anh Thế mới nhận nhiệm vụ, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều khó khăn. Trường chỉ có những phòng học cấp 4; chưa có nhà hiệu bộ và các phòng chức năng; tường rào, sân chơi cho học sinh thì nhếch nhác, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù. Bên cạnh đó, tình trạng nội bộ mất đoàn kết trong tập thể cán bộ, giáo viên kéo dài nhiều năm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của nhà trường.

 
“Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ và tâm huyết với nghề, thầy Nguyễn Ngọc Thế từ khi còn là một giáo viên giảng dạy rồi sang làm công tác quản lý, đều nhiệt tình, tâm huyết với công việc, làm việc hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý mến…”
 
 Ông Phan Xuân Phong, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong (huyện Krông Bông)

Bắt tay vào nhận nhiệm vụ mới, anh Thế đã cùng tập thể Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường xây dựng một đội ngũ cán bộ, giáo viên có tinh thần đoàn kết cao, luôn chủ động trau dồi nâng cao nghiệp vụ, nỗ lực trong công tác chuyên môn, thực hiện văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự. Chất lượng dạy và học được nâng cao rõ rệt. Từ năm 2014 đến nay, mỗi năm trung bình Trường Tiểu học Cẩm Phong có từ 2 - 3 học sinh giỏi cấp tỉnh, 7 học sinh giỏi cấp huyện và 25 em được công nhận chữ viết đẹp – thành tích mà trước đây nhà trường chưa bao giờ đạt được. Tỷ lệ học sinh lưu ban giảm từ 3,64% xuống còn 1,96% (trước đây, tỷ lệ này luôn trên 6%), trong hai năm qua trường không có học sinh bỏ học. Để xây dựng cảnh quan nhà trường sạch đẹp, anh Thế đã bàn bạc với Ban Chấp hành Hội Phụ huynh học sinh, tập thể giáo viên thống nhất trích kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên gần 200 triệu đồng cùng với tự nguyện đóng góp của phụ huynh gần 100 triệu đồng để bê tông hóa toàn bộ mặt sân trường ở điểm chính, làm tường rào cho các điểm trường lẻ. 

Điều mong muốn nhất của anh Thế là trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tạo điều kiện, đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất như nhà hiệu bộ, các phòng chức năng nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Cẩm Phong trở thành trường đạt Chuẩn quốc gia.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.