Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện M'Đrắk

07:40, 13/12/2017

Với sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp, phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện M’Đrắk đã phát huy hiệu quả tích cực, là “đòn bẩy” thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Ông Trần Công Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học (HKH) huyện M’Đrắk cho biết, hằng năm công tác xây dựng tổ chức và phát triển hội viên luôn được HKH chú trọng. Nếu như năm 2007, toàn huyện có khoảng 6.400 hội viên với 180 chi hội khuyến học, đến nay đã tăng lên trên 13.000 người, với 13 HKH cơ sở và 244 chi hội hoạt động rộng khắp toàn huyện. Tỷ lệ hội viên trên tổng dân số đạt trên 18% (vượt 8% so với quy định), trong đó tỷ lệ hội viên người dân tộc thiểu số đạt 25% trên tổng số hội viên.

Để từng bước xây dựng xã hội học tập, huyện M’Đrắk quan tâm  xây dựng và đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm dạy nghề ở các xã, thị trấn. Theo đồng chí Y Ku Niê, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy M’Đrắk, trong những năm qua, HKH huyện cùng với ngành GD-ĐT huyện và các phòng, ban liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo các đơn vị trường học, HKH các xã, thị trấn tham mưu cho địa phương hình thành và củng cố các trung tâm học tập cộng đồng.

Đến nay, 13 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 100%) hoạt động tương đối hiệu quả, tạo điều kiện cho nhân dân được học tập, trao đổi kiến thức trên nhiều lĩnh vực với nội dung thiết thực. Từ năm 2007 đến nay, các trung tâm học tập cộng đồng đã vận động hơn 600 người tham gia các lớp xóa mù chữ; hơn 1.000 người tham gia học phổ cập ở bậc học trung học cơ sở; phối hợp với Hội Nông dân, Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật… mở hàng trăm lớp học với các chuyên đề về pháp luật, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật thu hút hàng nghìn lượt người tham dự.

 Một tiết học của cô trò Trường  Tiểu học  Đinh Tiên Hoàng  ở điểm  trường thôn 4,  xã Cư San.
Một tiết học của cô trò Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng ở điểm trường thôn 4, xã Cư San.

Phong trào xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập cũng đã được huyện M’Đrắk thực hiện bằng cách tiến hành rà soát, tổ chức đăng ký, xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình ngay từ đầu năm. Nhiều gia đình đã tự nguyện tham gia và có những cách làm hay trong việc khuyến khích, giáo dục, động viên con em học tập, rèn đức luyện tài, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập và công tác. Tính đến nay, toàn huyện có gần 12.000 gia đình đăng ký “Gia đình học tập”, 52 trường học đăng ký “Đơn vị học tập”, 25 dòng họ học tập và 28 hội đồng hương khuyến học hoạt động hiệu quả...

Thành công trong công tác khuyến học, khuyến tài ở huyện M’Đrắk chính là sự đồng tình, ủng hộ của hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân. Điển hình như từ năm 2013 đến nay, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của huyện đã đóng góp được hơn 1,8 tỷ đồng xây dựng 6 phòng học và các phòng công vụ cho học sinh, giáo viên ở xã Cư San và Cư Prao… Hay trong nhiệm kỳ 2010-2015, HKH các cấp đã vận động được gần 600 triệu đồng xây dựng Quỹ Khuyến học, khuyến tài hỗ trợ hàng trăm lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi, đạt thành tích cao qua trong các kỳ thi… Tính đến nay, quỹ khuyến học của hội HKH huyện đã xây dựng được trên 350 triệu đồng, qua đó kịp thời hỗ trợ, động viên, tuyên dương hàng trăm lượt cá nhân, tập thể hiếu học trên địa bàn toàn huyện.

Nhờ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học của huyện M’Đrắk. Toàn huyện hiện có 21/52 trường đạt Chuẩn quốc gia; 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ, trong đó vượt chuẩn trên 70%. Năm học 2016-2017, có 1.178 học sinh giỏi cấp huyện, 116 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 3 em học sinh giỏi cấp Quốc gia; ngành GD-ĐT huyện được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh… 

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.