Cần đánh giá đúng thực chất việc thực tập sư phạm của sinh viên
Những sự việc đau lòng của ngành Giáo dục trong thời gian qua: từ cô giáo không giảng bài nhiều tháng liên tục đến cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng làm bao nhiêu người phẫn nộ. Vì sao đã được đào tạo bài bản nhưng các giáo viên này lại có cách ứng xử thiếu tính sư phạm, thiếu tình yêu thương giữa người lớn với các em bé đáng tuổi con cháu mình như vậy? Phải chăng việc đào tạo sinh viên sư phạm đang có vấn đề, có lỗ hổng nào đó?
Là một người từng thực hiện nhiệm vụ đưa sinh viên đi thực tập sư phạm, tôi cho rằng cách đánh giá đối với giáo sinh thực tập có nhiều nơi đã thực hiện chưa đúng, chưa chính xác dẫn đến điểm thực tập thì cao chót vót nhưng hiệu quả lại không tương xứng. Đó là một trong những nguyên nhân góp phần tạo ra những giáo viên có cách hành xử chưa đúng chuẩn mực, gây bức xúc dư luận.
Trong chương trình đào tạo của sinh viên ngành sư phạm, thực tập sư phạm là một học phần vô cùng quan trọng. Ở trường đại học nơi tôi công tác, trong khi các học phần khác thường có số lượng tín chỉ từ 1-4 thì thực tập sư phạm là 5 tín chỉ. Vì vậy, nếu học phần này có kết quả tốt thì sẽ kéo điểm trung bình chung của học kỳ tăng lên khá nhiều.
Lớp học của Trường Mầm non thị trấn M’Đrắk. Ảnh: Duy Tiến |
Mặt khác, khoảng thời gian 7 tuần ở trường phổ thông sẽ giúp sinh viên sư phạm năm thứ 4 được vận dụng kiến thức, phương pháp mà mình đã học vào thực tế, được làm tất cả các công việc mà một người giáo viên phải làm: chủ nhiệm lớp, giảng dạy, chấm bài kiểm tra, tổ chức hoạt động ngoại khóa… Vì vậy, học phần thực tập sư phạm có thể giúp sinh viên tự đánh giá bản thân mình còn thiếu những kiến thức nào, kỹ năng gì để từ đó tự bổ sung. Vì vậy, các trường phổ thông, đặc biệt là giáo viên hướng dẫn có vai trò rất quan trọng trong quá trình phối hợp với trường đại học để đào tạo sinh viên sư phạm. Chính sự hướng dẫn, nhận xét, giúp đỡ của các trường phổ thông sẽ giúp sinh viên biết mình nên làm gì, làm như thế nào để trở thành một giáo viên.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực tập sư phạm chưa được các trường phổ thông xem trọng. Có trường phổ thông thực hiện đúng quy định 1 tuần giáo sinh chỉ được dạy 2 tiết, không được dạy nhiều hơn để bảo đảm chất lượng giờ dạy, song lại có trường gần như “khoán trắng” cho giáo sinh thực tập: từ xem kiểm tra, chấm bài cho đến đứng lớp giảng bài. Có sinh viên đã từng phải lên lớp tới 6 - 7 tiết/tuần và chủ yếu là dạy một mình, không có giáo viên hướng dẫn dự để góp ý. Lên lớp dạy nhiều nhưng lại thiếu sự góp ý của giáo viên hướng dẫn, giáo sinh thực tập khó lòng có thể biết được mình đã đúng chỗ nào, sai chỗ nào để rút kinh nghiệm cho lần sau.
Có một điểm chung giữa các trường phổ thông tiếp nhận sinh viên thực tập là chấm điểm số cho giáo sinh rất cao. Đã nhiều lần làm trưởng đoàn đưa sinh viên đi thực tập sư phạm, tôi phải nghe nhiều trường phàn nàn, kêu ca về việc sinh viên yếu kiến thức, kém kỹ năng, không chỉ là kỹ năng sư phạm mà cả kỹ năng ứng xử, giao tiếp... Nhận xét thẳng thắn như vậy, chê nhiều như vậy nhưng cuối cùng điểm số chấm vẫn cao chót vót: thấp nhất là 7,5 điểm và cao nhất là 10 điểm, trong đó điểm 7,5 là vô cùng hiếm, chủ yếu là 9. Hầu như kết quả thực tập sư phạm của sinh viên năm thứ 4 nào là những con số rất đẹp. Lý do là các trường phổ thông cho rằng sinh viên thực tập đang là những người thợ học việc nên điểm chấm là chấm sự cố gắng, chấm nội dung chứ chưa phải chấm phương pháp. Mặt khác, với tâm lý “giơ cao đánh khẽ”, các thầy cô muốn tạo một cơ hội để sinh viên sư phạm có thể tốt nghiệp loại khá, mới có điều kiện để nộp hồ sơ xin việc. Chính cách làm này đã dẫn đến chuyện: có những sinh viên học hành lẹt đẹt, thi lại thường xuyên, hiếm khi được điểm 7 nhưng đi thực tập sư phạm lại được tới 8 điểm – điểm số trong mơ dù đó là điểm thấp nhất của đoàn thực tập!
Cách đánh giá này khiến không ít sinh viên khi đi thực tập sư phạm có tâm lý ỷ lại, qua loa đại khái, giáo án thì copy của người khác, lúc đứng lớp thì đọc nguyên trong giáo án chứ không giảng vì biết đằng nào thì điểm cũng khá, giỏi, xuất sắc chứ không rớt được. Một số sinh viên khác do không yêu thích ngành học, hoang mang về tương lai sau khi tốt nghiệp liệu có được đi dạy không nên dẫn đến lơ là, chểnh mảng học hành, làm việc thiếu trách nhiệm. Do đó, 7 tuần thực tập sư phạm trôi qua cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”.
Đào tạo được một người giáo viên tốt, chúng ta sẽ có nhiều thế hệ học sinh tốt. Nếu đào tạo ra một giáo viên “lỗi”, sẽ có bao nhiêu thế hệ học trò gánh chịu hậu quả? Dù không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng chính sự dễ dãi trong đánh giá kết quả thực tập sư phạm của sinh viên đang góp phần tạo ra các giáo viên yếu chuyên môn, kém kỹ năng, gây ra những bức xúc cho học sinh và phụ huynh.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc