Multimedia Đọc Báo in

Hai cậu học trò với sáng tạo khoa học hữu ích về môi trường

08:26, 06/05/2018

Là những học sinh đam mê khoa học, hai em Nguyễn Tấn Đạt và Trầm Duy Anh (lớp 12B8 Trường THPT Ngô Gia Tự, thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) đã xuất sắc giành giải Ba Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 với đề tài “Nghiên cứu sử dụng giun quế kết hợp men vi sinh trong xử lý rác hữu cơ lấy phân trồng rau ở quy mô hộ gia đình tại thị trấn Ea Kar”.

 Đề tài nói trên được Tấn Đạt và Duy Anh phát hiện rất tình cờ. Mỗi lần đi học về, thấy rác thải vứt bừa bãi hoặc người dân thường xử lý rác thải không đúng cách gây ô nhiễm môi trường, hai cậu học trò nảy ra ý tưởng tìm cách xử lý rác sao cho có thể mang lại lợi ích cho cuộc sống. Nghiên cứu giải pháp xử lý rác là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ nên Tấn Đạt và Duy Anh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu. Song, với niềm say mê khoa học, hai em không nản lòng trước những trở ngại, cùng nhau vạch kế hoạch để cùng thực hiện. Cả hai cậu vừa học vừa kết hợp với thực hành để nắm chắc kiến thức cơ bản, rồi tiến hành hoàn thiện từng bước một.

Tấn Đạt và Duy Anh (trái) cùng thầy giáo hướng dẫn nhận giải Nhất  tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh.
Tấn Đạt và Duy Anh (trái) cùng thầy giáo hướng dẫn nhận giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh.

Sau gần 9 tháng nghiên cứu, thử nghiệm cùng với sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn, Tấn Đạt và Duy Anh đã hoàn thành mô hình “Nghiên cứu sử dụng giun quế kết hợp men vi sinh trong xử lý rác hữu cơ lấy phân trồng rau ở quy mô hộ gia đình”. Mô hình này gồm 3 thùng xốp được bố trí xếp chồng lên nhau; thùng số 1 chứa rác hữu cơ có thể phân hủy bao gồm: cơm thừa, rau thừa, thịt… trộn với men vi sinh theo tỷ lệ 0,5 kg rác tương ứng với 0,25 kg men vi sinh TH2 rồi đem ủ trong 3 ngày. Thùng thứ 2 chứa 2 kg giun quế sinh khối, được đục lỗ nhỏ. Trong vòng 24 giờ, giun quế sẽ ăn lượng rác thải được ủ, sau đó thải phân và dịch giun ra lỗ nhỏ chảy xuống thùng xốp thứ 3. Phân giun quế được thu lại và mang bón trực tiếp cho cây trồng. Qua xét nghiệm ở Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, phân giun quế có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn hẳn phân bò và phân hóa học. Các loại rau sau khi bón phân thu được từ mô hình đều sinh trưởng nhanh và năng suất cao, lại an toàn cho người sử dụng.

Đề tài “Nghiên cứu sử dụng giun quế kết hợp men vi sinh trong xử lý rác hữu cơ lấy phân trồng rau ở quy mô hộ gia đình” của Tấn Đạt và Duy Anh đã được trao giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh và giành giải Ba tại cuộc thi cấp quốc gia. Theo đánh giá, đề tài của hai em đã đáp ứng được 3 tiêu chí của cuộc thi là: cấp thiết, mới và khả thi. Ý tưởng độc đáo, sáng tạo của hai cậu học trò đã được nhà trường, gia đình, giáo viên hướng dẫn ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình. Thành quả bước đầu này cũng đã góp phần tạo động lực cho Tấn Đạt và Duy Anh tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình.

Ngọc Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.