Multimedia Đọc Báo in

Trường Mẫu giáo 30-4: Kết quả tích cực trong công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ

08:20, 06/05/2018

Trong những năm qua, Trường Mẫu giáo 30-4 (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) đã nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ bằng nhiều giải pháp tích cực.

Trường Mẫu giáo 30-4 đứng chân trên địa bàn có 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhận thức về phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ còn hạn chế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn khiến tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ở mức cao. Trước tình trạng đó, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo đảm sức khỏe cho trẻ, từ năm học 2014 – 2015, Trường Mẫu giáo 30-4 đã triển khai cho trẻ ăn bán trú tại trường. Nhà trường xây dựng khu bếp ăn rộng 25 m2 với đầy đủ dụng cụ, bảo đảm các khâu sơ chế, chế biến hợp vệ sinh. Để lớp bán trú hoạt động hiệu quả, nhà trường đã xây dựng nội quy bán trú; phân công trách nhiệm đối với mỗi bộ phận; cử giáo viên quản lý trẻ ăn, nghỉ, ngủ trưa. Cô Phan Thị Xoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi ở nhà, trẻ ăn uống rất thất thường, chế độ ăn cũng không bảo đảm khiến trẻ thường bị suy dinh dưỡng… Việc triển khai tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các bậc phụ huynh. Từ chỗ chỉ có một điểm trường chính tổ chức bán trú, đến nay nhà trường đã nhân rộng ra thêm cả hai điểm phụ. Lúc đầu chỉ là bếp tạm do các bậc phụ huynh đóng góp, sau đó nhà trường đã tham mưu với cấp trên đầu tư xây dựng được bếp ăn kiên cố, khang trang bảo đảm tiêu chuẩn. Đặc biệt, phụ huynh đã đóng góp thêm kinh phí để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Hiện nay, chế độ ăn bán trú của trẻ tại trường là 12.000 đồng/ngày”.

Học sinh Trường Mẫu giáo 30-4 tham gia các trò chơi vận động phát triển thể chất.
Học sinh Trường Mẫu giáo 30-4 tham gia các trò chơi vận động phát triển thể chất.

Nhà trường luôn quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chế biến thực phẩm. Các loại thực phẩm đều được trường ký kết với các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có uy tín. Việc chế biến món ăn được xây dựng hợp lý cho từng bữa ăn, từng mùa, từng độ tuổi của trẻ, đặc biệt thức ăn liên tục được thay đổi nhằm tạo cảm giác mới lạ, thích thú cho trẻ trong từng bữa ăn. Các bữa ăn luôn được sắp xếp cân đối, với các thực phẩm đa dạng, có giá trị dinh dưỡng cao.

Cùng với việc bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ, Trường Mẫu giáo 30-4 còn chú trọng khám sức khỏe và theo dõi sức khỏe cho trẻ trên biểu đồ tăng trưởng. Hằng năm, vào ngày đầu năm học nhà trường đều phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức khám sức khỏe cho trẻ. Định kỳ vào các tháng 9, tháng 12 và tháng 3 tổ chức cân đo sức khỏe để phát hiện số trẻ suy dinh dưỡng hoặc béo phì nhằm kịp thời có chế độ điều chỉnh phù hợp…

Bên cạnh đó, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, tập thể dục ngoài trời, giúp trẻ rèn luyện và phát triển thể chất; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc theo dõi sự phát triển của trẻ, từ đó có biện pháp tác động kịp thời, giúp trẻ phát triển toàn diện...

Nhờ những biện pháp nói trên, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ ở Trường Mẫu giáo 30-4 đã đạt kết quả tích cực, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ kể cả thể nhẹ cân và thấp còi đều giảm . Cô Phan Thị Xoan cho hay: “Đầu năm học 2017-2018, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng tương đối cao, suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân lên đến 8,7%, thấp còi 9%. Tuy nhiên, đến lần cân đo thứ hai thì tỷ lệ này giảm chỉ còn 6% thể thấp còi, 5,5% thể nhẹ cân”. 

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.