Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo dạy văn đam mê khoa học

07:16, 03/06/2018

Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Giáo dục Công dân, Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn, năm 2009 thầy giáo Nông Thiêm Thuật (dân tộc Tày) về công tác tại Trường THCS Yang Mao (xã Yang Mao, huyện Krông Bông).

Là một giáo viên mẫu mực, nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảng dạy, hết mực thương yêu học sinh, thầy Thuật được đồng nghiệp và học sinh quý mến. Mặc dù hoàn cảnh gia đình thầy Thuật rất khó khăn, vợ chồng đều là giáo viên, hai con còn nhỏ, không có người thân trông giữ, nhà lại cách trường hơn 30 km nhưng vợ chồng thầy luôn sắp xếp công việc gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trường THCS Yang Mao là trường vùng sâu của huyện Krông Bông, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nên việc truyền thụ kiến thức cho các em gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, mỗi giáo viên ở đây đều phải dành rất nhiều thời gian phụ đạo, bồi dưỡng học sinh. Với niềm đam mê khoa học nên hằng năm, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, thầy Thuật còn được nhà trường giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học. Những đề tài dự thi do thầy Thuật hướng dẫn đều đoạt giải trong các cuộc thi. Mới đây, thầy Thuật đã đưa ra ý tưởng, xây dựng đề tài và hướng dẫn hai học sinh Trường THCS Yang Mao thực hiện dự án kỹ thuật: “Điều hòa nhiệt độ nhà ở bằng phương pháp tiếp đất và thông khí” và đề tài này đã đoạt giải Nhì toàn quốc trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học vừa qua. Thầy Thuật tâm sự: “Trước đây học Văn nhưng bản thân cũng rất thích Vật lý và Hóa học, đặc biệt là rất thích nghiên cứu những đề tài thuộc khoa học ứng dụng. Khi được nhà trường phân công hướng dẫn học sinh, tôi đã dành nhiều thời gian để tìm ý tưởng, nghiên cứu đề tài, tìm ra phương pháp phù hợp để hướng dẫn các em thực hiện đề tài một cách tốt nhất”.

Thầy Nông Thiêm Thuật cùng hai học sinh đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm 2017-2018.
Thầy Nông Thiêm Thuật cùng hai học sinh đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm 2017-2018.

Theo thầy Thuật, khó nhất là việc tìm ra ý tưởng đề tài. Ý tưởng đó phải nằm trong chương trình, vừa sức với trình độ, khả năng của học sinh ở đây. Trong quá trình thực hiện đề tài phải luôn hướng cho học sinh tìm ra yếu tố mới, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Có những đề tài phải vận dụng nhiều kiến thức tổng hợp cả về vật lý, địa lý và hóa học. Ngoài ra, kỹ năng thuyết trình, lắp ráp mô hình, cách vận hành phải thuần thục, nhuần nhuyễn. Để thuyết trình mô hình dự án, trả lời lưu loát được những câu hỏi của ban giám khảo đòi hỏi các em phải nắm chắc kiến thức cơ bản, nhớ từng chi tiết của đề tài, trong đó có sự sáng tạo. Vì vậy giáo viên hướng dẫn phải có phương pháp phù hợp giúp các em thực hiện các bước thật khoa học, chi tiết và gợi ý để các em sáng tạo. Thầy Thuật chia sẻ: “Dự án kỹ thuật của trường vừa đoạt giải Nhì quốc gia được giám khảo đánh giá cao vì sản phẩm rất thiết thực, dễ thực hiện, sử dụng năng lượng tái tạo, rẻ tiền, thân thiện với môi trường, đặc biệt có tính sáng tạo cao”.

Vừa qua thầy Thuật lại được nhà trường phân công phụ trách mảng phổ cập giáo dục trên địa bàn xã Yang Mao. Tuy phải đảm nhận nhiều công việc như vậy nhưng hiện nay thầy Thuật vẫn đang ấp ủ nhiều ý tưởng để trong những năm học tới tiếp tục hướng dẫn học sinh thực hiện dự án tham gia dự thi. Thầy Y Sang Niê, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi bày tỏ: “Thầy Thuật là một đảng viên trẻ, nhiệt tình, tâm huyết. Thầy đã nhiều năm hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và đã đem về rất nhiều thành tích cho nhà trường. Bất cứ công việc nào được giao, thầy Thuật đều hoàn thành tốt. Thầy Thuật đã được cấp trên tặng nhiều giấy khen về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.