Nâng bước các em đến trường
Không có điểm trường tại buôn, học sinh trung học cơ sở ở buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) phải đi hơn 30 km ra Trường THCS Nguyễn Du ở trung tâm xã để học và ở nội trú tại phòng công vụ của giáo viên nhà trường. Thương học sinh vượt quãng đường xa đi học, nhà trường đã có nhiều biện pháp nhằm chia sẻ những nhọc nhằn với các em.
Vừa được nhận chiếc xe đạp do cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) trao tặng trước thềm năm học mới 2018 - 2019, em Giàng Thị May, học sinh lớp 7 (ở buôn Đắk Sar) xúc động nói: “Từ giờ bố không phải vất vả đưa đón nữa, em chủ động hơn vì đã có xe đạp để tự đi học”. Qua tìm hiểu, May là con thứ ba trong gia đình có 5 anh chị em. Bố mẹ May làm rẫy ở cách xa nhà, thường xuyên ở lại trông rẫy, chỉ có mẹ về với anh chị em May. Cuộc sống khốn khó là vậy, nhưng bố mẹ May vẫn cố gắng làm lụng, chắt chiu để các con đều được đến lớp học cái chữ. Từ khi May lên học cấp THCS, từ nhà đến trường là đoạn đường dài hơn 25 km. Đều đặn vào mỗi sáng thứ hai bố lại mượn xe máy của hàng xóm chở em cùng gần 10 kg gạo, rau ra trường để học, đến cuối tuần May tự đón xe về. “Em và bố có giao hẹn với nhau khoảng 17 giờ thứ sáu, bố có mặt ở trường thì đi về cùng với bố, còn nếu bố không đến em sẽ tự đi về nhà”.
Thầy Đặng Công Dinh, Trường THCS Nguyễn Du trải lòng
|
Buôn Đắk Sar thành lập năm 2011, với 260 hộ nhưng có gần 250 hộ nghèo, chủ yếu là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư ngoài kế hoạch vào. Nơi đây được mệnh danh là buôn “5 không” (không đường, không điện, không nước, không chợ, không hộ khẩu) của huyện Lắk. Năm học 2018 - 2019, buôn Đắk Sar có 65 học sinh theo học tại Trường THCS Nguyễn Du, trong đó em ở cách xa trường nhất là 35 km. Thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của học sinh buôn Đắk Sar, UBND xã Đắk Nuê đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Kinh tế tặng xe đạp cho 10 em học sinh của buôn.
Thầy Trần Văn Thắng, phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Du cho biết để học sinh có thêm động lực “vượt khó đến trường”, nhà trường đã đề xuất các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ học phí, sách vở, vật chất cho các em. Chưa hết, các thầy cô giáo trong trường đã thuê phòng trọ ở để nhường lại 4 phòng công vụ cho các em học sinh buôn Đắk Sar ở nội trú. “Chỗ ở của các em cơ bản ổn định, tuy nhiên việc ăn uống thì chưa bảo đảm, bởi hầu hết gia đình các em đều nghèo. Có những tối đi kiểm tra, tôi bắt gặp nhiều em chỉ ăn cơm trộn với ngô cùng ít muối trắng, nhìn rất xót xa. Tuy nhiên, lực bất tòng tâm nên tôi cũng chỉ có thể động viên các em cố lên”, thầy Thắng chia sẻ.
Các em học sinh ở buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk) được nhận xe đạp. |
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Đặng Công Dinh, quản lý Trường THCS Nguyễn Du cho hay dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà trường luôn tâm niệm “Khéo lo thì ấm”. Do đó, trước ngày tựu trường năm học 2018 - 2019, nhà trường đã nắm bắt tình hình học sinh, đặc biệt là những em hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học để phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp với trưởng thôn, buôn đến từng nhà thăm hỏi, động viên các em đến lớp.
Không như ở một số địa phương khác, nhiều phụ huynh người dân tộc thiểu số ở xã Đắk Nuê vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con em đến trường. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn nhớ không rõ ngày, tháng, năm sinh của con. Trước những trở ngại đó, các thầy cô giáo Trường THCS Nguyễn Du luôn động viên nhau nỗ lực hơn nữa quan tâm chăm lo không chỉ với các em học sinh ở buôn Đắk Sar mà với học sinh toàn trường.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc