Multimedia Đọc Báo in

Trường THPT Trần Quốc Toản (Ea Kar): Điểm sáng về công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh

08:10, 15/09/2018

Trong những năm qua, Trường THPT Trần Quốc Toản (huyện Ea Kar) luôn xác định việc đưa nghiên cứu khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào công tác giáo dục khối THPT đóng vai trò quan trọng trong tư duy đổi mới, nâng cao hiệu quả dạy và học.

Để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh nghiên cứu KHKT, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đều triển khai đầy đủ các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của ngành, của tỉnh, của Bộ Giáo dục - Đào tạo về nghiên cứu khoa học dành cho học sinh.

Nhà trường còn tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về ý nghĩa hoạt động nghiên cứu KHKT; tập huấn cho học sinh bằng nhiều cách như hướng dẫn trực tiếp phương pháp nghiên cứu qua trao đổi, thảo luận, hay cung cấp tài liệu qua Internet. Đặc biệt, chú trọng tập huấn theo nhiều đợt gắn với tiến độ đề tài để các em nắm bắt bước đầu cách nghiên cứu thực tế, đặt câu hỏi, lập kế hoạch, ghi nhật ký, nghiên cứu tổng quan, tìm giải pháp.

Bên cạnh đó, những thầy cô hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học luôn theo dõi sát sao, định hướng, gợi mở ra những cách làm hay, giải pháp hiệu quả, kịp thời cập nhật, tiếp thu, vận dụng khéo léo vào trong từng đề tài, sản phẩm của các em.

Các em  học sinh Trường THPT Trần Quốc Toản trong một lần  tham gia Cuộc thi  Khoa học  kỹ thuật dành cho học sinh  do Sở GD-ĐT tổ chức.
Các em học sinh Trường THPT Trần Quốc Toản trong một lần tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh do Sở GD-ĐT tổ chức.

 

Thực tế cho thấy đa số các giải pháp sáng tạo KHKT của học sinh đều xuất phát từ sự quan sát các hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống được các em nghiên cứu, vận dụng lý thuyết của các môn học trong nhà trường để tìm lời giải cho các hiện tượng, vấn đề đó. “Bí quyết” của các thầy cô giáo Trường THPT Trần Quốc Toản là phát huy sức sáng tạo của học sinh và có niềm tin vào các em.

Thực tế cho thấy đa số các giải pháp sáng tạo KHKT của học sinh đều xuất phát từ sự quan sát các hiện tượng, vấn đề xảy ra trong cuộc sống được các em nghiên cứu, vận dụng lý thuyết của các môn học trong nhà trường để tìm lời giải cho các hiện tượng, vấn đề đó. Vì vậy, “bí quyết” của các thầy cô giáo Trường THPT Trần Quốc Toản là phát huy sức sáng tạo của học sinh và có niềm tin vào các em.

Việc lựa chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm để hướng dẫn cho học sinh cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, sáng tạo KHKT của nhà trường. Hằng năm, nhà trường đều tổ chức cuộc thi nghiên cứu KHKT cấp trường, từ đó chọn ra các sản phẩm và đề tài nghiên cứu có chất lượng tham dự cuộc thi cấp tỉnh.

Sau mỗi cuộc thi, đề tài đã đoạt giải hoặc chưa đoạt giải sẽ được phân tích, rút kinh nghiệm và đây chính là cách tập huấn hữu hiệu nhất để học sinh tiếp tục thực hiện đề tài trong năm sau. Những cuộc thi cấp trường đã góp phần nâng cao tinh thần nghiên cứu khoa học của học sinh, khơi gợi phong trào nghiên cứu, sáng tạo sôi nổi trong nhà trường. Việc nghiên cứu khoa học không chỉ gói gọn trong các môn tự nhiên như Vật lý, Hóa học, Sinh học nữa mà cả các môn học xã hội như Giáo dục công dân, Ngữ văn, Lịch sử cũng được học sinh thực hiện nhiều đề tài rất thú vị.

Cũng nhờ cách làm hiệu quả nên hầu như năm nào các sản phẩm dự thi nghiên cứu KHKT của học sinh Trường THPT Trần Quốc Toản cũng đoạt giải cấp tỉnh. Chỉ tính từ năm học 2015 - 2016 đến nay, nhà trường đã giành được hai giải Nhì, hai giải Khuyến khích trong Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh.

Cụ thể: Năm học 2015 - 2016, dự án “Cách chữa trị nọc độc rắn xanh bằng lá thuốc nam của người dân tộc Mường” của học sinh Trường THPT Trần Quốc Toản đã đoạt giải Nhì cấp tỉnh; năm học 2016 - 2017, đề tài nghiên cứu “Thực phẩm dinh dưỡng từ hạt mít” của học sinh cũng đoạt giải Nhì, dự án “Chữa bệnh thoát vị đĩa đệm bằng các bài thuốc nam” đoạt giải Khuyến khích. Năm học 2017 - 2018, đề tài nghiên cứu về  “Ngôn ngữ ngoại lai trong học sinh phổ thông” đoạt giải Khuyến khích. Điều quan trọng là qua mỗi cuộc thi, các em học sinh đều nhận thức được tinh thần nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đam mê tìm tòi những đề tài, công trình nghiên cứu có khả năng ứng dụng được vào thực tế.

Em Võ Thị Mai Hương (học sinh lớp 12C2, từng đoạt giải Khuyến khích trong Cuộc thi Khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông năm học 2017 - 2018) tâm sự: “Mỗi lần tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, em nhận ra nhiều bài học và sự trải nghiệm bổ ích. Có rất nhiều ý tưởng được hình thành sau mỗi lần thi. Qua những lần đó, em cùng các bạn đã tìm ra thế mạnh của bản thân, biết vận dụng, phát huy những điều đã được học vào thực tiễn cuộc sống”.

Đoàn Văn Hân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.