Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về trò nghèo vùng biên

17:16, 25/11/2018

“Dù các em đã được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập nhưng do nhà quá nghèo lại đông con, việc lo cho con mỗi tháng vài trăm nghìn đồng tiền ăn uống, sinh hoạt cũng trở nên quá sức đối với bố mẹ, khiến nhiều em có nguy cơ phải bỏ học giữa chừng.

” Đó là những lời tâm sự của cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Ea Súp khi nói về hoàn cảnh của 28 em học sinh lớp 10 đang theo học tại Trung tâm.

Ăn khổ không sao miễn là được đi học

Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Trung tâm GDNN- GDTX huyện Ea Súp kết hợp giữa việc học văn hóa với dạy nghề và bố trí chỗ ở cho học sinh ở nội trú đã giúp nhiều học sinh nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa như Cư Kbang, Ea Rốc, Ia R'vê, Ja Lốp, Ia J'lơi… có cơ hội tiếp tục theo đuổi giấc mơ con chữ của mình. Trong đó có nhiều trường hợp đã nghỉ học 2-3 năm nhưng vẫn nỗ lực đi học lại. Thế nhưng, kinh tế gia đình của các em đều dựa vào việc trồng hoa màu, nguồn thu nhập chẳng đủ lo cái ăn hằng ngày nên việc cho con cái đi học cũng trở nên quá sức. Mỗi tháng, các em được gia đình chu cấp gạo và khoảng 100 - 200.000 đồng, số tiền này chỉ đủ để mua mì tôm, rau xanh, hôm nào “sang” thì có thêm tí cá khô hay vài quả trứng.

Bữa cơm trưa của các em học sinh chỉ có cơm trắng, rau xanh và mì tôm.
Bữa cơm trưa của các em học sinh chỉ có cơm trắng, rau xanh và mì tôm.

Chứng kiến bữa ăn trưa đạm bạc của các em học sinh lớp 10 tại khu nội trú khiến chúng tôi không khỏi xót xa, thực đơn chỉ gồm cơm trắng với rau xanh…, còn cá, thịt trở thành thứ xa xỉ. Một số phòng không có rau, các em đành pha mì tôm làm canh chan với cơm cho dễ ăn, có khi là ăn thay cơm. Húp vội tô mì tôm, em Hoàng Thị Lam (cụm 10, xã Cư Kbang) cho biết: “Em và các bạn ở đây buổi sáng thường nhịn đói đi học nên bây giờ bụng cồn cào cả lên. Trong phòng không có gì ăn, bọn em pha mì tôm ăn tạm. Ba tháng lên đây, em chưa biết mùi thịt cá”. Khi được hỏi ăn thế này làm sao có sức để học, em Hoàng Thị Nhiên (thôn 3, xã Cư Kbang) cho hay: "Bọn em chịu khổ quen rồi, ăn gì cũng được, miễn là được đi học”.

Thương phận trò nghèo

Được biết, 28 em đang học ở Trung tâm đều thuộc diện hộ nghèo và có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Như trường hợp em Lữ Thị Xuân (thôn 6, xã Ia J'lơi) bố mất sớm, mẹ bỏ đi, 3 chị em Xuân ở với ông bà nội già yếu, kiếm sống bằng nghề chăn bò thuê. Xuân là chị cả, buổi đi học, buổi còn lại lo cơm nước, chăm em và phụ giúp ông bà cắt cỏ, chăn bò. Tốt nghiệp THCS, biết tin Trung tâm ngoài dạy văn hóa còn dạy nghề nên Xuân đã đăng ký vào học, với hy vọng sau khi ra trường sẽ kiếm được một công việc ổn định để đỡ đần ông bà và lo cho các em. Khi ra huyện học, Xuân luôn ghi nhớ lời bà nội căn dặn “Con cứ lo học cho tốt, bà sẽ cố gắng cho con học hết lớp 12” nên luôn chăm chỉ học hành. Thế nhưng mới học 3 tháng, Xuân đã tính bỏ học vì ông bà thường xuyên đau ốm, không lo nổi tiền cho em.

Các em học sinh trồng rau để cải thiện  bữa ăn.
Các em học sinh trồng rau để cải thiện bữa ăn.
 

“Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng các em học sinh đều rất ngoan hiền và luôn cố gắng, nỗ lực học tốt. Rất mong các mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay góp sức để học sinh vùng biên tiếp tục được theo đuổi con chữ”.

 
 
 Cô  Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea Súp

Gia đình em Phàng A Niên (thôn 14, xã Cư Kbang) có tất thảy 9 anh chị em, Niên là con thứ 6 trong nhà. Năm 2013, gia đình Niên di cư từ Sơn La vào xã Cư Kbang lập nghiệp, sinh sống, cả nhà chỉ biết trông chờ vào 4 sào đất trồng sắn, trồng đậu và từ việc đi làm thuê của bố mẹ. Cũng xuất phát từ ý nghĩ học chữ để thoát nghèo, học xong lớp 9 không muốn phải nghỉ học về làm nương rẫy, Niên đã phải thuyết phục mãi bố mẹ mới cho đi học tiếp. Hai tháng đầu tiên với số tiền ít ỏi chưa đến 150.000 đồng được người anh trai cho, Niên đã cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhưng vẫn không tài nào đủ được. Đã nhiều lần, em phải xin ăn ké các bạn phòng bên thậm chí là nhịn đói vì hết tiền. Đầu tháng 10 vừa rồi, Niên về nhà xin tiền nhưng cả nhà chỉ còn đúng 100.000 đồng. Cầm tiền bố đưa, Niên đã suy nghĩ rất nhiều và có ý định xin nghỉ học như một cách để trút bỏ gánh nặng cho gia đình. 

Để giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được đi học, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ea Súp đã vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên ở Trung tâm đóng góp được 3,4 triệu đồng để kịp thời hỗ trợ cho 10 em đang có ý định bỏ học từ 200 - 300.000 đồng trong vòng 2 tháng. Đến nay, số tiền trên cũng đã hết.

Cô Phượng cho biết thêm, các thầy cô trong Trung tâm cũng liên hệ nhiều nơi tìm việc làm thêm cho học sinh nhưng rất khó để sắp xếp thời gian hợp lý, vì buổi sáng các em học chữ, chiều lại học nghề. Hiện tại, Trung tâm cũng đã tạo điều kiện cho các em trồng rau để cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.