Multimedia Đọc Báo in

Những cô giáo tận tình với công tác Đội

17:15, 25/11/2018

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các cô giáo Tổng phụ trách Đội còn bận rộn với rất nhiều công việc không tên khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, các cô không chỉ cần sự nỗ lực, cố gắng mà còn mang vào công việc cả sự tâm huyết, nhiệt tình và tình yêu thương với học sinh, đội viên của mình.

Lấy văn hóa các dân tộc làm lợi thế

Bằng khen của UBND tỉnh, Tỉnh Đoàn, danh hiệu Tổng phụ trách Đội giỏi cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cơ sở… là sự ghi nhận với những thành tích nổi bật của cô Trần Thị Ngọc Tú, giáo viên – Tổng phụ trách Đội Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Krông Ana trong những năm học vừa qua.

Cô Trần Thị Ngọc Tú trong giờ lên lớp.
Cô Trần Thị Ngọc Tú trong giờ lên lớp.

Tốt nghiệp chuyên ngành Nhạc – Đoàn Đội Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 2007, đến năm 2012 cô Tú nhận công tác tại Trường PTDTNT THCS Krông Ana và được phân công làm giáo viên chuyên trách Tổng phụ trách Đội. Thời gian đầu nhận nhiệm vụ Tổng phụ trách Đội, cô không khỏi lo lắng bởi trường PTDTNT là loại hình trường chuyên biệt với gần 100% học sinh là người dân tộc thiểu số (hầu hết là người Êđê), ngôn ngữ bất đồng, học sinh còn rụt rè trong các sinh hoạt tập thể… Nhưng cô đã biết phát huy những lợi thế của mình: cùng ở nội trú trong trường nên có nhiều thời gian quan tâm tới học sinh, tìm hiểu và chia sẻ kịp thời những tâm tư, tình cảm của học sinh.

Là giáo viên dạy Nhạc, cô đã đem tiếng đàn tiếng hát của mình đến với học sinh, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, tạo nên sự quý mến của học trò. Để phong trào Đội đi vào chiều sâu, tạo được sự hứng thú cho học sinh, cô đã trăn trở, tìm tòi các hình thức hoạt động. Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên, cô đã triển khai, tổ chức các hoạt động Đội phù hợp với đặc thù học sinh dân tộc ở trường nội trú: tổ chức “Hội chợ ẩm thực các dân tộc”, thi biểu diễn trang phục các dân tộc, thi hát dân ca, tổ chức gói bánh chưng cho học sinh liên hoan tất niên trước khi nghỉ Tết, xây dựng và duy trì quỹ học bổng “Thắp sáng ước mơ” tặng học bổng cho học sinh dân tộc nghèo vượt khó. Cô cũng rất chú trọng duy trì hoạt động của đội chiêng học sinh của trường… Ngoài ra, các hoạt động chủ điểm tháng đều được cô Tú triển khai rất khoa học và hiệu quả, hỗ trợ rất tích cực cho các hoạt động dạy và học trong nhà trường, được Ban giám hiệu và cấp trên đánh giá cao.

6 năm gắn bó với công tác Đội ở trường phổ thông dân tộc nội trú tuy chưa phải là dài nhưng cô Tú đã đưa Liên đội Trường PTDTNT THCS huyện Krông Ana trở thành một liên đội vững mạnh với những thành tích thật đáng tự hào. Có thể kể ra những thành tích nổi bật của Liên đội như: giải Nhất cuộc thi Nghi thức và Chỉ huy Đội giỏi cấp huyện năm học 2012 – 2013; giải Nhất cấp huyện, giải Ba cấp tỉnh cuộc thi “Đội em kể chuyện Bác Hồ” do Trung ương Đoàn tổ chức năm học 2014- 2015 và được tham gia dự thi cấp Quốc gia. Nhiều năm liền Liên đội nhà trường được công nhận là Liên đội Thiếu niên tiền phong vững mạnh cấp tỉnh; được Hội đồng Đội huyện Krông Ana và Hội đồng Đội tỉnh tặng nhiều giấy khen do có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thiếu nhi.

Không chỉ là một Tổng phụ trách Đội giỏi, cô Tú còn là một giáo viên dạy giỏi. Nhiều năm liền cô được công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Gần đây nhất, năm học 2016-2017, cô Tú tham gia dự thi và được công nhân là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Niềm hạnh phúc của cô là được học sinh yêu quý và gọi bằng cái tên trìu mến: chị Tổng phụ trách của chúng em.

Cô Tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt tình

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, năm 2007 cô Hà Thị Duyên về công tác tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (huyện Ea Kar). Đến năm 2009, cô được luân chuyển về Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (huyện Ea Kar) và được phân công làm giáo viên Tổng phụ trách Đội cho đến nay.

Sự nhiệt tình, năng động của cô giáo Tổng phụ trách Đội Hà Thị Duyên đã góp phần đưa các hoạt động phong trào của Liên đội Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo sôi nổi, hiệu quả. Năm học 2017 - 2018 cô Duyên được Hội đồng Đội tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Để làm tốt công việc của mình, cô Duyên cùng với Ban Chấp hành Liên đội Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo đã triển khai hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tổ chức các hoạt động thiết thực như: nhận chăm sóc toàn bộ hệ thống bồn hoa cây cảnh là công trình măng non của Liên đội, phát động phong trào thi đua "Trường em xanh - sạch - đẹp", mở hòm thư Liên đội, thăm và động viên mẹ liệt sỹ trên địa bàn huyện; giao lưu văn nghệ nhân các ngày lễ lớn, giao lưu với gương người tốt việc tốt, tổ chức các trò chơi dân gian, Hội thi rèn luyện kỹ năng sống… Đặc biệt, trong năm học vừa qua, Liên đội đã thành lập Ban phát thanh măng non và đã thực hiện được nhiều chương trình phát thanh với các nội dung luôn đổi mới và hấp dẫn thu hút đông đảo đội viên tham gia như: chuyên mục điểm tin, quà tặng âm nhạc, bạn có biết, khách mời đầu tuần, đố vui…

Cô Hà Thị Duyên và học trò của mình trong Lễ tuyên dương Chỉ huy  Đội tiêu biểu huyện Ea Kar năm học 2017-2018.
Cô Hà Thị Duyên và học trò của mình trong Lễ tuyên dương Chỉ huy Đội tiêu biểu huyện Ea Kar năm học 2017-2018.

Bên cạnh đó, cô Duyên thường xuyên chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, quản lý học sinh một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện và giáo dục các học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm an toàn giao thông. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo không có học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có học sinh vi phạm an toàn giao thông. Liên đội còn có nhiều hoạt động chia sẻ, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm học 2017-2018, Liên đội đã vận động được hơn 800 cuốn vở, 1.000 chiếc quần áo tặng học sinh nghèo, trao quà và xe đạp cho 56 học sinh nghèo vươn lên trong học tập, với trị giá hơn 16 triệu đồng...

Minh Sơn – Bình Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.