Thông điệp về giáo dục thời Xô Viết qua "Cây sồi mùa đông"
Ngày ấy, khi mới chân ướt chân ráo vào học khoa Văn trường Đại học Sư phạm, chúng tôi được các anh chị khóa trên lưu ý về tác phẩm văn học Nga “Cây sồi mùa đông”, như một cách giúp định hướng mục tiêu nghề nghiệp cho những tân sinh viên sư phạm.
Sau đó ít lâu, khi vốn tiếng Nga đã kha khá, chúng tôi được tiếp cận nguyên bản truyện ngắn “Cây sồi mùa đông” của tác giả Iuri Nagibin trong giáo trình Tiếng Nga dành cho sinh viên ngành Ngữ văn.
Truyện tóm tắt như sau: Cô giáo trẻ Anna Vaxiliepna tốt nghiệp đại học về dạy ở một trường nông thôn được 2 năm. Cô có tiếng là một giáo viên văn giỏi có kinh nghiệm trong vùng. Hôm đó cô có tiết đầu ở lớp 5A, học về từ loại danh từ. Một cậu bé tên là Xavutskin lúc nào cũng đi muộn khiến cô không vui. Tiết học diễn ra suôn sẻ, nhiều học sinh trả lời đúng câu hỏi của cô giáo “cho ví dụ về danh từ?” như “cuốn sách”, “con mèo”, “ngôi nhà”, “con đường”, “tàu điện ngầm”... Còn Xavutskin thì đưa ra “cây sồi mùa đông”. Cô giáo giải thích, chỉ có “cây sồi” là danh từ, còn “mùa đông” là từ loại khác chưa học. Cậu bé vẫn một mực “cây sồi mùa đông” mới là danh từ. Cô giáo yêu cầu Xavutskin giờ ra chơi lên phòng giáo viên gặp riêng cô.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet) |
Cô Anna Vaxiliepna hỏi cậu bé về nguyên nhân lúc nào cũng đi muộn. Cậu trả lời không biết vì sao, bởi lúc nào cậu cũng đi trước cả tiếng đồng hồ. Cô giáo tính toán, từ chỗ ở của cậu bé là khu điều dưỡng nằm trong khu rừng - nơi mẹ cậu làm việc, đi ra đường quốc lộ hết 15 phút, từ đó đến trường chỉ mất chưa đến nửa tiếng nữa. Cậu bé bảo cậu đi xuyên qua rừng luôn chứ không vòng ra quốc lộ. Càng thấy vô lý, cô giáo nghĩ cậu bé nói dối và nói sẽ gặp mẹ cậu (vì bố cậu đã hy sinh trong Chiến tranh Vệ quốc). Cậu bé lại tỏ ra rất vui. Tan học, cậu bé dẫn cô giáo về nhà theo con đường tắt qua khu rừng. Đang mùa tuyết rơi, cảnh rừng cây phủ tuyết trắng, dòng suối nước nóng ẩn dưới làn băng mỏng, chim chóc, dấu vết thú rừng trên lối đi... cùng với những lời giải thích của cậu bé về những điều bí ẩn của khu rừng làm cho cô giáo bất ngờ, thích thú.
Trong khi cô thỉnh thoảng dừng lại ngắm nghía thì cậu bé cứ tiếp tục đi rồi chốc chốc đứng lại chờ. Đến một khu rừng thưa, hiện ra một cây sồi cổ thụ phủ đầy tuyết trắng, cậu bé reo lên: “Cây sồi mùa đông kìa!”. Cậu bé dẫn cô giáo đến bên gốc cây xù xì có nhiều hang hốc. Cậu bới trong đống mùn, đống lá khô giới thiệu với cô những con vật như nhím, ếch nâu, thằn lằn, giun dế... đang ngủ đông. Trong khi cô Anna Vaxiliepna hào hứng với những sinh vật đang trú đông dưới gốc cây sồi thì cậu bé kêu lên là đã quá muộn, không thể về kịp gặp mẹ vì đã đến giờ mẹ đi làm ca chiều. Vậy là thời gian 1 tiếng cô giáo dự định cho chuyến đi đến nhà cậu bé là không đủ. Cô nói với cậu bé cần phải đi theo lối ra đường quốc lộ mới kịp giờ học. Nhưng rồi nhìn nét mặt buồn buồn của cậu, cô lại nói: Em có thể đi tắt qua rừng. Cô giáo trở về theo lối cũ; đi một đoạn cô ngoái đầu lại thấy cậu bé vẫn đứng bên gốc cây sồi dõi theo cô. Cô giáo bỗng nhận ra một điều: sự hấp dẫn nhất của cánh rừng không phải là cây sồi mùa đông mà chính là cậu học sinh nhỏ bé.
Vậy là, từ chỗ thiếu thiện cảm với cậu học trò hay trễ học, lại có phần ương bướng, và “dối trá”, cô giáo trẻ đã bị cậu học sinh thuyết phục hoàn toàn. Cô đã hiểu được lý do cậu bé thường xuyên đi muộn cũng như kiên quyết bảo vệ danh từ “cây sồi mùa đông”. Cô nhận ra thực tiễn cuộc sống có những nghịch lý mà nếu không có sự trải nghiệm thì sẽ không thể lý giải được. Và điều quan trọng nhất là cô đã khám phá ra thế giới tâm hồn đầy nhân bản của cậu bé: trong sáng, hồn nhiên, yêu thiên nhiên, yêu những sinh vật nhỏ bé nhất và coi đó như là lẽ sống một cách tự nhiên. (Một chi tiết rất cần được dẫn ra đây, đó là lúc cô giáo trở về, tác giả đã để cho cậu bé hướng dẫn cô về tình huống gặp thú rừng: “Nếu có chú nai nào nhảy xồ ra, cô chỉ cần lấy gậy đập nhẹ vào lưng nó, nó sẽ nhường đường cho cô. Tốt hơn là cô khua gậy xua nó đi. Nếu sợ quá nó sẽ bỏ rừng đi mất”).
Có thể nói, trong tác phẩm này, không ai khác mà chính là học trò đã giúp người thầy bổ khuyết những kiến thức về cuộc sống thực tế; và người thầy cần phải nhận thức rõ hơn nhiệm vụ của mình: thấu hiểu được tâm hồn của học sinh và bồi dưỡng, hun đúc nó… Đó là những thông điệp toát ra từ một tác phẩm văn học Xô viết ra đời cách nay hơn nửa thế kỷ. Cho đến nay, những thông điệp đó vẫn còn nguyên giá trị.
Loan Hà
Ý kiến bạn đọc