Nâng cao chất lượng dạy học tiếng Êđê trong trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS
21:17, 27/12/2018
Chiều 27-12, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện việc dạy học tiếng Êđê trong trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp THCS giai đoạn 2013-2018.
Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố; Ban Giám hiệu, giáo viên dạy tiếng Êđê trường PTDTTN trên địa bản tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Chương trình tiếng Êđê bậc THCS (PTDTNT) được biên soạn dựa trên chương trình THCS môn Ngữ văn, áp dụng giảng dạy trong các trường PTDTNT, mỗi tuần 2 tiết đối với các khối lớp 6, 7, 8 (học kỳ I). Từ năm 2016 đến nay, chương trình chỉ triển khai ở khối lớp 6,7. Qua các năm học, tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt 16 - 45%, tỷ lệ học sinh yếu còn khoảng 2,3 – 3,5%.
Nhìn chung việc dạy học tiếng Êđê cấp THCS đã được triển khai nghiêm túc ở tất cả các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh ; hoạt động chuyên môn được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, góp phần nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê...
Đại biểu tham dự hội nghị. |
Bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại: Chất lượng học tập của học sinh chưa đồng đều; Chương trình và tài liệu dạy học tiếng Êđê bậc THCS còn nhiều hạn chế; đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học tiếng Êđê chưa đạt chuẩn; Chế độ chính sách cho cán bộ quản lý và giáo viên dạy học tiếng Êđê còn chưa phù hợp và đồng bộ; Thiết bị, đồ dùng dạy học, tài liệu sách tham khảo còn thiếu thốn...
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh yêu cầu trong thời gian tới Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu với các cấp, các ngành có liên quan trong việc bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách cho việc nghiên cứu, biên soạn sách và tài liệu; đầu tư, trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học tiếng Êđê; tham mưu đề xuất chế độ đối với giáo viên, cán bộ, chuyên viên làm công tác quản lý giáo dục dân tộc; thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Êđê gắn với đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cùng với đó cần thực hiện tốt việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giáo viên dạy tiếng Êđê; thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại học sinh học tiếng Êđê theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong việc chỉ đạo, triển khai giảng dạy tiếng Êđê, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của tỉnh...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc