Multimedia Đọc Báo in

Những hiệu trưởng tâm huyết với nghề

10:17, 08/12/2018

Gương mẫu, tận tình, tâm huyết với công tác giáo dục là đặc điểm chung của các thầy cô hiệu trưởng vừa được tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của ngành Giáo dục huyện M’Đrắk.

Hết lòng với học sinh vùng khó

Đến nay, thầy Nguyễn Đình Thiện, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Tô Hiệu (xã Cư San) đã có 21 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, thầy Thiện về công tác tại Trường THCS Lê Đình Chinh (xã Ea Riêng) và được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng vào năm 2013. Đến năm 2010, khi Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu được thành lập, với tâm huyết được mang con chữ đến với học sinh ở xã xa và nghèo nhất huyện, thầy Thiện tình nguyện nhận công tác tại trường và được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Tự tay thầy Thiện chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.
Tự tay thầy Thiện chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Những ngày đầu mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường chỉ có 11 người, tổng cộng 4 lớp với 122 học sinh người Hmông, Dao. Điều kiện công tác vô cùng khó khăn, giao thông cách trở, mỗi mùa mưa gió, muốn đến trường các thầy cô giáo buộc phải đi vòng qua huyện Krông Bông với chặng đường xa hơn rất nhiều. Ngày ấy, thầy Thiện thường hát cho đồng nghiệp nghe bài “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để động viên nhau vượt qua khó khăn, kiên trì bám trường gieo chữ nơi vùng đất khó.

Là người đứng đầu đơn vị, thầy Thiện luôn gương mẫu, đặt lợi ích tập thể lên trên hết. Thầy không bao giờ quản ngại đường sá xa xôi, bám trường bám lớp, luôn chu đáo, cẩn thận, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể, khuyến khích cán bộ, giáo viên chủ động sáng tạo, thiết kế những bài giảng cuốn hút học sinh. Là giáo viên dạy môn Sử, thầy luôn tạo ra những bài giảng cuốn hút, tạo không khí sôi nổi, hứng thú học tập cho học sinh. Những học sinh do thầy bồi dưỡng đã đoạt giải cao ở kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện.

Có lẽ khó khăn lớn nhất đối với những người làm giáo dục tại xã Cư San là vận động học sinh đến trường bởi nhận thức của phụ huynh còn nhiều hạn chế. Vào những ngày mùa, khi các lớp có học sinh nghỉ học, thầy Thiện lại cùng với các thầy cô chủ nhiệm không quản đường xa đến từng gia đình, lên tận nương rẫy, nơi chăn trâu, kể cho các em nghe những câu chuyện về con chữ, những điều mới lạ trong sách vở, niềm vui khi đến trường… để thuyết phục các em lên lớp. Thầy còn tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ xe đạp, tiền mặt, thực phẩm, chăn màn, sách vở, quần áo... cho các em khó khăn.

Để các em ở xa trường thuận lợi hơn trong việc học, thầy Thiện vận động người dân cùng góp từng miếng gỗ, ván, tôn để làm nhà bán trú cho học sinh ngay trong khuôn viên trường. Dù chỉ đơn sơ bằng ván gỗ, mái tôn nhưng tại đây các em được sống, học tập, sinh hoạt hòa đồng. Những bữa ăn tập thể vui vẻ gắn kết các em, thắt chặt tình thầy trò, sĩ số lớp học được duy trì ổn định. Trường có khoảng 250 học sinh ở lại từ thứ hai đến thứ bảy, thầy tận tình chăm lo cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ, từ học tập đến vui chơi.

Cô giáo Nguyễn Vân Nhi kể: “Ở Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu, mọi người đã quen với hình ảnh thầy Thiện xuống bếp nấu ăn cho mọi người. Sáng nào thầy cũng dậy sớm thăm nom vườn rau, dọn chuồng gà, chuồng lợn của bếp tập thể, tự tay trồng rau, nuôi vịt để cải thiện bữa ăn của học sinh; buổi chiều thầy lại cùng mọi người tập luyện thể thao... Thầy còn đề xuất lắp đặt hệ thống loa đài phát thanh khu bán trú để mỗi sáng chiều mở nhạc, mở những câu chuyện về tấm gương đạo đức Bác Hồ cho học sinh nghe, vừa để giải trí vừa để học sinh thấm nhuần những bài học về Bác.

Với sự góp phần không nhỏ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thiện, Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu hiện có 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 15 lớp học và hơn 500 học sinh; chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Nhiều năm liền Trường PTDTBT THCS Tô Hiệu đạt danh hiệu trường “Vững mạnh - xuất sắc” cấp huyện, đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.

Cô hiệu trưởng năng động

Trải qua nhiều năm công tác tại nhiều đơn vị giáo dục với nhiều cương vị khác nhau, đến năm học 2015 - 2016, cô Trương Thị Sâm được điều về làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Cư Mta cho đến nay.

Cô Trương Thị Sâm (phải) trao xe đạp tặng học sinh nghèo.
Cô Trương Thị Sâm (phải) trao xe đạp tặng học sinh nghèo.

Với hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có 2 phân hiệu nằm rải rác ở các thôn, buôn cách xa trường chính hàng chục cây số, việc huy động học sinh đến lớp rất khó khăn, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng xảy ra thường xuyên. Trước tình hình đó, cô Sâm cùng với giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp với các thôn, buôn trưởng, già làng đến từng gia đình để tuyên truyền, vận động học sinh đến trường. Học sinh nào có hoàn cảnh éo le thì cô tìm cách giúp đỡ. Nhờ cách làm đó, tỷ lệ huy động học sinh đến lớp những năm qua luôn đạt 100%, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Năm 2017, cô tham mưu với các cấp lãnh đạo, cùng với tập thể giáo viên nhà trường đã huy động được tất cả học sinh tại hai điểm trường lẻ ra điểm trường chính học, chất lượng giảng dạy nhờ vậy càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, cô Sâm còn tham mưu đề nghị đầu tư tu sửa, xây dựng trường  lớp học khang trang, tôn tạo khuôn viên trường xanh - sạch - đẹp. Trường Võ Thị Sáu cũng là trường tiểu học đầu tiên của huyện M’Đrắk lắp đặt hệ thống bể bơi cho học sinh với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Cô Sâm còn thường xuyên vận động các tổ chức, đơn vị, các nhà hảo tâm tặng cặp sách, xe đạp, trao học bổng cho học sinh nghèo và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập... nhằm kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện giúp các em vơi đi những khó khăn để vững bước tới trường. Như trường hợp em Nguyễn Khánh Duy ở thôn 4, xã Cư M'ta có hoàn cảnh éo le: cách đây 2 năm, bố em bị tai nạn qua đời, cả nhà đang phải ở nhà thuê, cô Sâm đã chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, vận động các nhóm thiện nguyện và huy động giáo viên, học sinh đóng góp hỗ trợ gia đình Duy lo hậu sự cho bố và ổn định cuộc sống. Còn em H’Chuyên Niê (học sinh lớp 3C) hằng ngày phải đi bộ hơn 4 km đến trường, cô Sâm đã liên hệ với các mạnh thường quân hỗ trợ cho em một chiếc xe đạp. Sự động viên kịp thời này đã tạo thêm động lực giúp em học tốt, đạt học sinh xuất sắc nhiều năm liền.

Cô Sâm cũng rất quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống thường ngày, từ đó giúp cho các giáo viên, nhân viên trong trường an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cô và các giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu còn thường xuyên đến thăm, tặng quà người dân buôn Hai (xã Cư M'ta) – buôn kết nghĩa với trường các dịp lễ, tết. Nhờ sự góp sức của cô hiệu trưởng Trương Thị Sâm, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen 2 năm liền và được UBND huyện tuyên dương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dành tâm sức nâng cao chất lượng giáo dục

Quê ở Thái Bình, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk năm 1984, cô giáo Vũ Thị Hòa gắn bó với sự nghiệp trồng người nơi huyện vùng xa M’Đrắk. Trải qua nhiều đơn vị công tác, từ năm 2010 đến nay, cô Hòa đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn M’Đrắk).

Gần 35 năm công tác, từ công việc giảng dạy đến quản lý, ở cương vị nào cô Hòa cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hưởng ứng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong những năm qua, cô Hòa cùng các cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cô đã động viên, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên trong trường học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nêu cao tính gương mẫu, phấn đấu "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Trường đã thường xuyên tổ chức thao giảng chuyên đề để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức cho giáo viên; tăng cường công tác dự giờ, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy và học. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nhân đạo từ thiện... nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ.

Cô Vũ Thị Hòa trong một giờ dạy trên lớp.
Cô Vũ Thị Hòa trong một giờ dạy trên lớp.

Nhờ vậy, chất lượng dạy và học của Trường Tiểu học Kim Đồng ngày một nâng lên; từ năm học 2010-2011 đến nay trên 99% học sinh của trường hoàn thành chương trình lớp học. Đặc biệt, về chất lượng giáo dục mũi nhọn có sự chuyển biến rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước; trở thành lá cờ đầu bậc Tiểu học của ngành Giáo dục huyện M’Đrắk. Trường Tiểu học Kim Đồng được UBND tỉnh công nhận Tập thể lao động xuất sắc và tặng Bằng khen nhiều năm liền. Bản thân cô Hòa cũng nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác.

Thu Nguyệt - Trung Hải - Tiến Ninh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.