Tiết học "đặc biệt" tiếng Êđê
Các em học sinh dân tộc thiểu số người Êđê ở Trường Tiểu học Tô Hiệu (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đặc biệt hào hứng với tiết học tiếng mẹ đẻ của mình.
Theo sự phân công của nhà trường, vào chiều thứ 6 hằng tuần, cô H’Yok Ênuôl lại tất bật với giáo án tiếng Êđê để dạy cho các học trò từ khối lớp 3 đến lớp 5. Với thâm niên đứng lớp hơn hai chục năm, cô H’Yok luôn biết cách động viên, khích lệ học sinh phấn đấu trong học tập. Chính vì thế mà buổi học tiếng Êđê của cô lúc nào cũng sôi nổi, nhiều em mạnh dạn xung phong phát biểu, đọc rõ ràng tiếng của dân tộc mình. Chuyên môn chính không phải là dạy tiếng Êđê nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên cô H’Yok luôn dạy hết mình. Đáp lại, các em rất hứng thú, say mê với tiết học này. Việc dạy thêm tiếng Êđê giúp học sinh thêm yêu tiếng mẹ đẻ, từ đó gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, quá trình dạy học cũng phát sinh khó khăn khi về nhà phụ huynh không kèm dạy thêm nên nhiều cháu chỉ biết nói chứ không viết được chữ Êđê.
Cô H’Yok Ênuôl hướng dẫn học sinh đọc bài. |
Cô H’Yok chia sẻ, cách để học trò hiểu nhanh, đúng ý nghĩa từ ngữ Êđê là dùng song ngữ Êđê - tiếng Việt. Từ nào học trò hay phát âm sai, cô giáo phải đọc đi đọc lại, nhấn mạnh nhiều lần cho các em nhớ lâu. Thấy chúng tôi chăm chú theo dõi tiết học "đặc biệt" này, em H’Yu Nai Ênuôl, lớp 4A bộc bạch: "Dù là người Êđê nhưng vì sống ở thành phố nên em ít khi được giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Lên lớp 3, em được học thêm tiếng Êđê nhờ đó đã biết đọc - viết nhiều từ cơ bản. Bây giờ em có thể tự tin giao tiếp và cũng có thể hát một số bài hát bằng tiếng Êđê, đây là điều em mơ ước bấy lâu nay".
Cùng đồng hành đứng lớp dạy tiếng Êđê với cô H’Yok vào mỗi buổi chiều cuối tuần là cô H’Dleh Bkrông, thầy Y Rê Byă. Hai thầy cô này cũng không phụ trách dạy tiếng Êđê nhưng do chưa có giáo viên chính và trong điều kiện dạy học còn thiếu thốn, không có đồ dùng dạy học tiếng Êđê nên họ cùng đứng lớp dạy theo cách hiểu biết của mình. Bằng cách dạy tự nhiên, ân tình ấy, các thầy cô đã truyền được niềm tự hào con chữ, văn hóa dân tộc mình cho các em học sinh dân tộc Êđê. “Trong các tiết học, tôi hay kể những câu chuyện đời thường cho các em nghe, tạo sự thích thú cho học sinh. Những giờ giải lao, tôi cũng chủ động bắt chuyện với học sinh bằng tiếng mẹ đẻ, từ đó tạo sự gần gũi, giúp các em tự tin giao tiếp và có thêm vốn từ”, thầy Y Rê Byă cho hay.
Tiết học tiếng Êđê của cô H’Dleh Bkrông. |
Cô Đoàn Thị Tuyết Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiệu cho biết: Trường có hơn 1.050 học sinh, trong đó có gần 170 học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực tế cho thấy ở trường các em học sinh là người dân tộc thiểu số khi học chương trình tiếng Việt đã gặp khó khăn rất nhiều so với các bạn khác. Chính việc phổ cập song ngữ tiếng Êđê - tiếng Việt ở trường giúp các em sử dụng thành thạo tiếng phổ thông… Bên cạnh đó, việc triển khai giảng dạy tiếng Êđê đã góp phần không nhỏ để học sinh lưu giữ được ngôn ngữ mẹ đẻ từ đó thêm yêu, biết trân quý văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Djuang Niê
Ý kiến bạn đọc