Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên bệnh tật, gieo chữ nơi vùng đất khó

08:25, 11/12/2018

Đã có lúc tưởng như gục ngã vì bệnh hiểm nghèo nhưng bằng nghị lực và tình yêu nghề, cô H’Luột Byă, giáo viên Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) đã vượt qua mọi khó khăn để làm công việc gieo chữ cho học sinh nơi vùng đất khó.

Năm 2011, cô H’Luột được phân công về giảng dạy môn Sử tại Trường THCS Bế Văn Đàn. Ước mơ được đứng trên bục giảng thành hiện thực khiến cô vui đến nỗi thức trắng đêm, đó cũng là động lực khiến cô vượt qua mọi bỡ ngỡ ban đầu, tích cực trau dồi, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để mang đến cho học sinh những bài giảng thú vị. Ở ngôi trường nơi cô dạy, đa số học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều em thậm chí cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Là giáo viên chủ nhiệm, dù hoàn cảnh cũng chẳng mấy khá giả nhưng cô H'Luột vẫn thường giúp đỡ học sinh từ những bữa ăn đến đồng phục, đồ dùng học tập… Cô còn gần gũi, động viên các em vượt qua khó khăn để đến trường.

 Cô H'Luột trong giờ lên lớp.
Cô H'Luột trong giờ lên lớp.

Bất hạnh bỗng nhiên đổ ập xuống cô H'Luột khiến gia đình cô lao đao một thời gian dài. Trong ngày cô lên nhận Giấy khen giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cô đã bị trượt ngã và gãy chân. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trong một lần tái khám, cô H'Luột được chuẩn đoán mắc bệnh u xương và phải cắt bỏ 1 chân. Gia đình đưa cô đi chạy chữa khắp nơi, cô phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật cắt gọt xương đau đớn. Việc chữa trị vô cùng tốn kém khiến hoàn cảnh gia đình cô càng thêm khốn khó.

Nhưng trong hoàn cảnh bi đát nhất, tưởng như phải gục ngã, cô H'Luột đã từng bước vượt qua bệnh tật và khó khăn trong vòng tay yêu thương, cưu mang, giúp đỡ từ đồng nghiệp, gia đình, bạn bè. Sau hơn 1 năm điều trị, đến nay dù di chứng từ căn bệnh u xương quái ác khiến cô phải sử dụng nạng để đi lại nhưng cô vẫn đứng vững trên bục giảng, chưa bao giờ có ý định bỏ dở sự nghiệp gieo chữ mà mình đã đeo đuổi, dành trọn tâm huyết.

Những nỗ lực trong công tác của cô được ghi nhận bằng nhiều danh hiệu, giấy khen, giải thưởng như: danh hiệu lao động tiên tiến cấp huyện nhiều năm liền; giải C sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện; giải Nhì cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện năm học 2016-2017, gần đây nhất là giải Ba cấp tỉnh cuộc thi viết về tấm gương nhà giáo năm học 2017-2018. Song điều khiến cô H'Luột hạnh phúc nhất là trải qua nỗi đau bệnh tật, cô vẫn ngày ngày được đứng trên bục giảng, được gắn bó với các em học sinh thân yêu của mình.

Nói về tấm gương nghị lực vươn lên hết lòng vì học sinh của cô giáo H'Luột Byă, thầy Nguyễn Thành Đông, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: “Cô H'Luột là một giáo viên giàu nghị lực, vượt qua bệnh tật và luôn cống hiến cho công việc, là tấm gương để cho đồng nghiệp, học sinh và mọi người noi theo".

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.