Multimedia Đọc Báo in

Vượt sương đêm tìm con chữ

10:52, 16/12/2018

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Hmông từ các tỉnh phía Bắc di cư tự do đến và sinh sống tại các tiểu khu 540, 544, 547A thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, huyện Cư M’gar.

Đến năm 2003, huyện Cư M’gar đã bố trí đất sản xuất, tiến hành lập khu tái định cư nằm cách trung tâm xã Ea Kiết chỉ 5 km để người dân không phải sống trong rừng, và gần hơn với đất sản xuất. Địa điểm mới này được gọi là làng Mông ngoài (để phân biệt với nơi cũ là làng Mông trong). Song, chỉ có gần 70 hộ an tâm tái định cư, số còn lại (hơn 100 hộ) quay về nơi cũ.

Trẻ em đến trường với ánh sáng leo lét  của chiếc  đèn pin  cài trên đầu.
Trẻ em đến trường với ánh sáng leo lét của chiếc đèn pin cài trên đầu.

Cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở làng Mông trong như một “ốc đảo” biệt lập với thế giới bên ngoài khi không có điện, đường, trường, trạm, nước sạch. Cả làng hiện giờ có khoảng hơn 100 em học sinh hằng ngày phải đạp xe băng rừng, lội suối hơn 15 km để đến trường ở trung tâm xã Ea Kiết. Khoảng hơn 3 giờ sáng, khi xung quanh vẫn còn là một màu đen đặc, những học trò ở đây cài vội chiếc đèn pin lên đầu, bắt đầu hành trình tìm chữ. Con đường mòn vắt vẻo, chênh vênh giữa những lưng chừng dốc - lối đi duy nhất để đến lớp học - không một bóng người, xe ngược chiều. Đôi bạn cùng lớp Dương Thị Hóa và Lò Thị Dí (học sinh lớp 6G, Trường THCS Hoàng Văn Thụ) đã cùng nhau đạp xe “xé” màn sương buốt giá đến trường như thế từ năm học lớp 3, vì nếu thiếu đi một đứa thì đứa kia sẽ rất sợ trên cung đường dài tối đen, sương lạnh ấy. Thế rồi, cũng thành quen, chúng dắt nhau bước vào năm học cấp hai. Bây giờ, Hóa và Dí đã không còn thấy buốt với những đợt gió thốc thổi dồn hay cái lạnh trong đêm âm u trên những đoạn đường gồ ghề đến lớp nữa. Nhưng Hóa vẫn nhớ, có không ít lần em bị ngã chỏng vó vì vấp phải đá hay ụ đất ven đường. Dù ái ngại với quãng đường đến lớp nhưng những tờ giấy khen học sinh giỏi cuối năm là món quà để Hóa quên đi đoạn đường vắng, tối đen mỗi ngày... Tương tự, Hoàng Thị Thuốc (học sinh lớp 6D, Trường THCS Hoàng Văn Thụ), Lùi Thị Nhúng (lớp 6B, Trường THCS Hoàng Văn Thụ) không nhớ đã đi về trên cung đường ấy bao nhiêu lần. Chỉ biết rằng, mấy năm gắn bó, các em đã quá quen rồi với cái gập ghềnh của dốc đất và thấm thấu cái lạnh đến run người. Ai cũng đạp xe trong màn đêm đen bằng kinh nghiệm của những lần trượt ngã trước đó.

Trong màn sương đêm, học trò làng Mông phải băng qua cây cầu tạm đến lớp.
Trong màn sương đêm, học trò làng Mông phải băng qua cây cầu tạm đến lớp.

Đoạn đường đến lớp phải băng qua hai con suối. Đây là đoạn “ngại” nhất đối với những học trò làng Mông trong. Bởi, cầu vắt qua suối chỉ là mấy tấm ván, hai người đi ngược chiều không thể tránh nhau. Nếu một chút sơ sẩy, các em có thể phải đến lớp với bộ đồ ướt sũng. Đó là chưa kể, những ngày mưa về, nước dâng lên, có khi các em phải nghỉ học vì không thể qua suối. Chẳng vậy mà, trong giỏ xe của Lùi Thị Nhúng lúc nào cũng có túi ni lông cũ nhàu, cất gọn gàng một đôi giày. Nhúng bảo, lê lết ở con đường đất này, dép có thể mòn nhưng giày thì không thể... để ướt khi lội qua hai con suối. Vì thế, em phải bọc trong túi ni lông, cột trong giỏ xe, “để dành” đến lớp thì lấy ra đi.

Chặng đường từ nhà đến lớp học của những học trò làng Mông trong mỗi ngày như thế phải trải qua mấy tiếng đồng hồ đạp xe băng rừng. Phải đến hơn 6 giờ sáng, các em mới đến được trường. Có những hôm trời mưa  không ít em đến lớp với bộ quần áo ướt nhèm vì bị ngã lúc qua cây cầu tạm, may mà cũng kịp giờ đến lớp... Các em chỉ mong mỏi một điều là làm sao quãng đường đến trường được rút ngắn lại để hành trình đến với con chữ bớt đi vất vả, nhọc nhằn.

Theo chính quyền xã Ea Kiết, trước thực tế người dân bỏ khu tái định cư để quay về sinh sống nơi cũ, địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền nhưng không mấy hiệu quả. Đây cũng là vấn đề trăn trở của các cấp chính quyền địa phương. Hiện tại, huyện Cư M’gar cũng đang nỗ lực tìm cách để đầu tư giao thông, tìm hướng phát triển kinh tế nhằm ổn định cuộc sống cho bà con.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.