Multimedia Đọc Báo in

Chất lượng giáo dục thường xuyên cấp THPT cần được quan tâm hơn nữa

10:03, 05/01/2019

Chất lượng giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp  trung học phổ thông (THPT) của tỉnh trong những năm học gần đây được giữ vững và có bước tiến quan trọng.

Tỷ lệ tốt nghiệp hệ GDTX tăng

Toàn tỉnh có 15 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) và 184/184 xã có trung tâm học tập cộng đồng. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của hệ thống GDTX đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân. Ngoài tăng nhanh số lượng học sinh, chất lượng đào tạo hệ GDTX từng bước được cải thiện. Năm 2016, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hệ GDTX đạt 54,41%, năm 2017 là 84,2% và năm 2018 đạt 89,93%. Nhiều em học sinh tốt nghiệp THPT hệ GDTX đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực của học sinh là sự đầu tư có chiều sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ quản lý, giáo viên hệ GDTX.

Một tiết học văn hóa của học sinh hệ Giáo dục thường xuyên.
Một tiết học văn hóa của học sinh hệ Giáo dục thường xuyên.

Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên là đơn vị có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm tăng. Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, những năm học gần đây đơn vị đã đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực học sinh học chương trình GDTX. Theo đó, nhà trường đa dạng hóa các hình thức dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tổ chức dạy học. Ngoài tổ chức học tập tốt trên lớp, trường coi trọng việc giao nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh học tập ở nhà, ở ngoài nhà trường. Đồng thời khuyến khích tổ chức các hoạt động ngoại khóa góp phần phát triển năng lực phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

 
“Đa số học sinh GDTX có học lực yếu, mất căn bản; một bộ phận các em có ý thức học tập chưa cao hoặc chưa xác định đúng động cơ học tập, do vậy đội ngũ giáo viên cần chủ động, lựa chọn kiến thức đảm bảo phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học”.
 
Ông Phạm Trịnh, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) nhấn mạnh

Còn tại Trung tâm GDNN - GDTX Krông Bông lại có cách làm riêng để nâng cao chất lượng dạy văn hóa, đặc biệt là môn Hóa học.

Cô giáo Lê Thị Thanh Hải chia sẻ: "Hóa học là môn học khó, kiến thức liên quan đến thực tiễn đời sống, do đó để thu hút học sinh trong tiết học, tôi dẫn nhập vào bài bằng cách liên hệ thực tế. Thay vì gọi học viên lên bảng trả lời bài cũ làm các em thấy căng thẳng, tôi kiểm tra bài cũ bằng các bài tập trắc nghiệm, phiếu học tập, lồng ghép trong học bài mới hoặc cho học sinh về nhà tìm hiểu kiến thức thực tế có liên quan đến kiến thức bài học cũ. Tổ chức cho học sinh thực hành các thí nghiệm, qua đó giúp các em khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành quan sát và khơi sự đam mê học tập. Với nhiều giải pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học".

Thầy cô giáo là nhân tố quyết định

Bên cạnh kết quả đạt được, tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng GDTX năm học 2018 - 2019” tổ chức vào cuối tháng 11-2018, Sở GD-ĐT nghiêm túc đánh giá, chất lượng GDTX cấp THPT chưa đáp ứng được sự mong đợi của xã hội, vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nguyên nhân là do chất lượng đầu vào thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, chương trình GDTX cấp THPT còn bộc lộ nhiều bất cập, trở thành rào cản để nâng cao chất lượng. So với chương trình THPT số tiết học của hệ GDTX giảm 5%, trong khi học cùng một bộ sách giáo khoa, cùng một chuẩn kiến thức. Điều kiện bổ trợ về chuyên môn cho giáo viên GDTX ít, thiết bị giảng dạy, điều kiện dạy học còn hạn chế so với các trường phổ thông do đó ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, đến kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh GDTX. 

Một tiết học văn hóa của học sinh hệ giáo dục thường xuyên.
Một tiết học văn hóa của học sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Ông Phạm Trịnh, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên - Chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT) trao đổi, hệ GDTX đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là việc duy trì, phát triển quy mô; đảm bảo điều kiện đào tạo và chất lượng đào tạo. Đặc biệt, việc sáp nhập các trung tâm GDTX với trung tâm dạy nghề phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động chuyên môn về GDTX.

Do đó, hệ GDTX phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa sự tương tác giữa người dạy và người học, chú trọng vai trò người học để lĩnh hội, nắm vững kiến thức phù hợp với sự đổi mới trong giai đoạn hiện nay, định hướng những kiến thức với kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Các trung tâm GDNN - GDTX phải lấy giáo viên làm nòng cốt, lấy người học làm trung tâm để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo, chủ động học tập của học sinh trên cơ sở bám sát nội dung sách giáo khoa, yêu cầu bộ môn về chuẩn kiến thức, kỹ năng, có như vậy mới nâng cao kết quả học tập lớp 12 theo hướng bền vững, học sinh có khả năng đỗ tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.