Multimedia Đọc Báo in

"Gieo chữ" nơi vùng sâu

06:50, 30/01/2019

Là điểm trường khó khăn nhất của huyện M’Đrắk, thương học trò, đường sá đi lại khó khăn, nên các thầy, cô giáo tại điểm trường thôn 9 (thuộc Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Króa) cùng chọn cách ở lại khu nội trú và coi trường là nhà.

Điểm trường thôn 9 nằm giữa lưng chừng núi, cách điểm chính khoảng 35 km đường rất khó đi nên giáo viên phải ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. Nơi ở của các thầy, cô giáo là ngôi nhà hai gian cấp 4 nhỏ, nhưng có đến 7 giáo viên (1 nam, 6 nữ) cùng ở. Các thầy, cô giáo đến từ nhiều địa phương trong tỉnh: Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ, M’Đrắk… Cô giáo Lê Thị Bảo Yến (SN 1990, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) chia sẻ: “Đều đặn mỗi buổi chiều chủ nhật, tôi chuẩn bị sẵn tư trang vượt hơn 75 km để đến trường. Nhiều hôm trời mưa phải đi sớm hơn do có những đoạn đường đầy sình lầy phải đi nhờ trong các lô cao su của người dân. Ngại nhất là vượt qua đoạn đường dốc ngay giữa lưng chừng núi rất nguy hiểm”.

Cô giáo H’Ly Na Hwing phụ đạo cho các em học sinh ở thôn 9 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk).
Cô giáo H’Ly Na Hwing phụ đạo cho các em học sinh ở thôn 9 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk).

Hơn 5 năm gắn bó tại điểm trường thôn 9, cô H’Ly Na Hwing (SN 1991, thị xã Buôn Hồ) hiểu rõ những khó khăn, nhọc nhằn của giáo viên công tác nơi vùng khó. Cô Ly Na tâm sự: “Nhà tôi ở thị xã Buôn Hồ, phải ở lại trường đến cuối tuần mới về, nên chưa chăm lo cho gia đình chồng trọn vẹn. Nhưng may mắn được gia đình thấu hiểu, luôn ủng hộ để tôi theo đuổi sự nghiệp. Hết thời gian nghỉ thai sản, con mới được 6 tháng tuổi, chồng tôi phải khăn gói đến trường ở cùng vợ để chăm sóc con, giúp tôi yên tâm giảng dạy. Sau hai tháng tôi phải gửi con cho ông bà nội chăm sóc, đến cuối tuần mới về thăm. Thương con, nhớ gia đình nhưng biết làm sao được!”.

Điểm trường thôn 9 có gần 200 học sinh đều là người dân tộc Hmông. Do đó, nhiều em vào học lớp 1 vẫn chưa nói sõi tiếng phổ thông, giáo viên phải dùng ngôn ngữ cử chỉ hoặc nhờ học sinh lớp lớn “phiên dịch” để giúp các em hiểu  bài cô giáo dạy. Với những em học sinh tiếp thu bài chậm, cần luyện chữ đẹp…, thầy cô lại đưa các em về nơi ở của mình để phụ đạo. Và lúc nào nơi ở của các thầy, cô giáo ở điểm trường lẻ này đều có các em đến học.

 

Ai cũng mong muốn được giảng dạy ở gần nhà, ở nơi có điều kiện tốt hơn, nhưng khi đến đây, gắn bó với các em học sinh, tôi thấy yêu các em đến lạ. Nếu không phải là mình thì một đồng nghiệp khác cũng sẽ đến đây giảng dạy, mà các cô thì đã lớn tuổi”.

 
 
Cô giáo Nông Thị Thanh Hoa, giáo viên điểm trường thôn 9 (xã Cư Króa,huyện M’Đrắk)

Là giáo viên có thâm niên giảng dạy tại điểm trường thôn 9, cô giáo Nông Thị Thanh Hoa (SN 1991, xã Ea Pil, huyện M’Đrắk) cho hay, cứ có em học sinh nào nghỉ học, giáo viên lại đến nhà vận động, thuyết phục cho tới khi các em đến trường mới thôi. Còn nhớ, hai năm trước em Giàng Thị Gánh, học sinh lớp 3 rất thích đi học nhưng gia đình quá nghèo em đành nghỉ học. Sau nhiều lần đến nhà khuyên bảo em Gánh đã đi học trở lại và hiện đã học lên lớp 6. Hay mới đây, phụ huynh em Sùng Seo Giảng (học sinh lớp 3) phải đi làm xa, không còn cách nào khác đã đưa em đến gửi ở cùng giáo viên. Hằng ngày, em Giảng được thầy, cô giáo chăm sóc ăn uống, ngủ nghỉ, học tập.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, lại đông con nên nhiều em học sinh mới 12, 13 tuổi ở thôn 9 đã nghỉ học ở nhà trông em, phụ giúp việc nhà để bố mẹ đi làm. Một số em do bố mẹ đi làm xa, buổi trưa không về kịp, giáo viên lại đưa các em về khu nội trú của mình ăn uống để chiều tiếp tục học.

Thầy, cô giáo công tác ở điểm trường thôn 9 có tuổi đời từ 23 - 28 tuổi, có người đã lập gia đình, có người chưa, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, niềm đam mê với công việc, đặc biệt thương học trò ở đây thiếu thốn, thiệt thòi, nên cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, cần mẫn với hành trình “cõng” chữ lên non, dạy chữ cho học sinh vùng khó.

Đường đi vào điểm trường thôn 9  (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk).
Đường đi vào điểm trường thôn 9 (xã Cư Króa, huyện M’Đrắk).

Chia sẻ về những vất vả của thầy, cô giáo đang công tác tại điểm trường thôn 9, các câu lạc bộ tình nguyện đã hỗ trợ khoan giếng, bắc hệ thống lọc nước nên không còn phải đi bộ gần 7 km đến suối lấy nước sinh hoạt như trước đây. Mỗi lần mưa lớn, cây cầu độc đạo ra trung tâm xã bị ngập, giáo viên phải ở lại, có lần bị cô lập đến hơn một tháng, thực phẩm mang theo hết sạch, người dân trong thôn đã mang rau, gạo đến tiếp tế. Ánh mắt ngây thơ, khát khao con chữ, ham học của các em, cùng với tình cảm của phụ huynh đã “níu chân” các thầy, cô giáo gắn bó với các em học sinh.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.