Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng bứt phá từ giáo dục mũi nhọn

10:07, 02/01/2019

Với việc đổi mới phương pháp bồi dưỡng, nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học, giáo dục mũi nhọn của Đắk Lắk trong năm học qua đã đạt kết quả vượt bậc, trở thành địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên...

Trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi, với sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò các trường THPT, nhiều em học sinh đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và khu vực.

Đội tuyển  học sinh giỏi môn Sinh học của Trường THPT Chuyên  Nguyễn Du  thực hành  thí nghiệm.
Đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh học của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du thực hành thí nghiệm.

Là trường trọng điểm của tỉnh về công tác đào tạo, giáo dục mũi nhọn, năm học 2017 - 2018, học sinh của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du đoạt 28 giải quốc gia (1 giải Nhất – kể từ năm 2006 đến nay Đắk Lắk mới lại có học sinh đoạt giải Nhất, 9 giải Nhì, 8 giải Ba, 10 giải Khuyến khích); 51/60 học sinh tham dự Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 đoạt huy chương (19 huy chương Vàng, 15 huy chương Bạc, 17 huy chương Đồng), xếp thứ 6/64 đoàn tham gia Kỳ thi. Tại Kỳ thi Olympic chuyên Khoa học tự nhiên, có 31/50 em học sinh dự thi đoạt huy chương (7 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 16 huy chương Đồng)... Để đạt được thành tích cao trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường luôn đề ra nhiều giải pháp mới; chú trọng khơi dậy tinh thần đam mê sáng tạo giảng dạy, sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo và nỗ lực phấn đấu học tập của học sinh.

 
“Tuy kết quả dẫn đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên về số lượng, chất lượng giải, nhưng chưa nên bằng lòng với thành tích này, mà mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng giải, phấn đấu có học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế trong những năm học tới...”. 
 
 Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa

Bên cạnh bề dày thành tích của Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Trường THCS - THPT Đông Du (TP. Buôn Ma Thuột), tuy mới thành lập 5 năm nhưng cũng kịp “góp mặt” vào bảng thành tích chung của tỉnh trong Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 với 5 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng... Cùng với Trường THPT Chuyên Nguyễn Du và Trường THCS - THPT Đông Du, một số đơn vị khác cũng đã đạt được những kết quả đáng tự hào, có thể kể đến như: Trường THPT dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, Trường THPT Cư M’gar, Trường THPT Ngô Gia Tự... Qua đó góp phần nâng thành tích chung của tỉnh trong năm học 2017 - 2018 đoạt 31 giải tại Kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia (1 giải Nhất, 10 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích); 105 giải tại Kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 (29 huy chương Vàng, 33 huy chương Bạc, 43 huy chương Đồng) và tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia có 4 học sinh đoạt giải (1 giải Nhì, 1 giải Ba, 2 giải Khuyến khích)...

Nói đến xu thế chung của đào tạo giáo dục mũi nhọn hiện nay, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Du Nguyễn Đăng Bồng nhận định: Để nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngoài sự quan tâm, huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập, không thể không nói đến đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học cũng như liên kết nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng... Vì vậy nhà trường đã liên kết, phối hợp với một số trường THPT chuyên, đại học tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, tư liệu và mở các lớp bồi dưỡng. Qua các đợt giao lưu liên kết bồi dưỡng đã tạo cơ hội để các thầy, cô giáo tham gia ôn luyện cho đội tuyển học hỏi kinh nghiệm, trao đổi chuyên môn và nguồn học liệu để nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục mũi nhọn.

Tiết học Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS-THPT Đông Du.
Tiết học Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS-THPT Đông Du.

Cũng chung mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, ngay từ đầu năm học, Trường THCS - THPT Đông Du đã xây dựng kế hoạch chiến lược về giáo dục mũi nhọn; trong đó tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; chú trọng đổi mới công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học đáp ứng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực người học... Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đông Du Lê Ngọc Sơn thông tin thêm: “Nhà trường đang thực hiện chương trình hợp tác với Trường Trung học Freyberg (New Zealand) trong công tác đào tạo; đồng thời tích cực triển khai hoạt động trải nghiệm sáng tạo, gắn trường học với sản xuất, kinh doanh, mô hình STEM; thường xuyên chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên; đôn đốc và theo dõi quá trình tự bồi dưỡng của mỗi cá nhân để đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình và phương pháp dạy học...”.

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.