Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy hứng thú học tập cho trẻ

10:26, 18/02/2019

Hiện nay, áp lực học tập và những kỳ vọng quá mức của các bậc cha mẹ thường khiến trẻ có tâm lý sợ hãi và lười học.

Thực tế cho thấy, trẻ hay dao động, thích được nuông chiều và chơi đùa hơn là học tập nên việc cha mẹ kỳ vọng và áp đặt thành tích quá nhiều vào việc học sẽ gây tâm lý không tốt cho trẻ. Vì vậy, muốn trẻ tự giác và có kết quả tốt trong học tập thì mỗi bậc cha mẹ cần biết cách khơi dậy và tạo hứng thú cho trẻ.

Đầu tiên, cha mẹ cần chú ý đến việc tạo tâm thế học tập cho trẻ thông qua không gian học tập. Cha mẹ cần bố trí và sắp xếp không gian học tập của trẻ sao cho yên tĩnh, thoáng đãng. Trong góc học tập, ngoài sách vở và đồ dùng học tập, không nên để quá nhiều đồ chơi, sách truyện khiến trẻ chỉ muốn chơi mà không tập trung vào việc học. Tuyệt đối không nên cho trẻ vừa học vừa xem ti vi hay nghe nhạc… vì sẽ khiến trẻ mất tập trung khi học. Bên cạnh đó, cha mẹ nên đưa trẻ đến các thư viện hoặc nhà sách, hướng dẫn con tìm hiểu thêm các sách tham khảo về môn học mà trẻ yêu thích hoặc bổ sung thêm kiến thức trong sách dựa vào các chủ đề đang học. Đặc biệt, không nên cho trẻ lạm dụng Internet để tìm kiếm tài liệu bởi trẻ dễ bị nhiễu thông tin. Nếu lạm dụng, trẻ dễ có thói quen ỷ lại và phụ thuộc vào Internet khi tham khảo thông tin. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần tạo cho trẻ những mục đích, động cơ học tập phù hợp về điểm số, về thành tích. Cha mẹ không nên tạo áp lực về thành tích hoặc điểm số cho trẻ bởi điều này dễ khiến trẻ bị mặc cảm, áp lực, sợ thua kém bạn bè…

Một tiết học thủ công của các em học sinh
Tiết sinh hoạt của học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa 

Ngoài ra, cha mẹ cần tạo hứng thú cho trẻ bằng cách lập thời gian biểu học tập hợp lý. Không nên bắt buộc trẻ phải ngồi vào bàn học bằng mọi cách, mọi lúc bởi khi đó trẻ không thể tiếp thu được kiến thức mà còn “sợ” học hơn. Bạn có thể cho trẻ học từ 7 - 9 giờ tối hoặc những khoảng thời gian mà trẻ có thể tập trung tốt và những hoạt động trong gia đình không làm ảnh hưởng đến việc học. Nếu lượng bài tập quá nhiều, cha mẹ nên chia nhỏ ra từng phần và yêu cầu trẻ hoàn thành từng phần theo thời gian mà mình quy định. Đôi khi, cha mẹ phải là đóng vai trò như những thầy cô giáo thứ hai để kịp thời uốn nắn hay giải đáp những thắc mắc của trẻ.

Một điều rất cần thiết để khơi dậy mục đích học tập cho trẻ là các bậc cha mẹ cần phải biết động viên và khen ngợi trẻ. Không nên trách mắng mà hãy động viên trẻ khi trẻ bị điểm kém môn nào đó, rồi từ đó kèm cặp giúp trẻ tiến bộ hơn. Khi trẻ được điểm cao, cha mẹ hãy khích lệ, biểu dương thành tích của trẻ bằng những lời khen “có cánh” hoặc trao tặng phần thưởng, những món quà nho nhỏ mang tính động viên kịp thời cho trẻ.

Thiết nghĩ, để tạo động lực cũng như khích lệ niềm say mê, hứng thú học tập cho trẻ, mỗi bậc cha mẹ phải biết gần gũi, quan tâm đến trẻ và hơn hết cha mẹ phải là những người bạn đồng hành cùng trẻ mọi lúc, mọi nơi. Từ đó, trẻ sẽ có thêm động lực để học tập tốt hơn.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.