Multimedia Đọc Báo in

Kinh nghiệm để làm tốt bài văn nghị luận xã hội

14:26, 06/04/2019

Trong bài thi môn Ngữ văn, ngoài phần "đọc hiểu", phần "làm văn" được coi là phần rất quan trọng và chiếm số điểm cao nhất so với điểm toàn bài thi (7/10 điểm).

Trong đó, nghị luận xã hội là một trong những câu thí sinh dễ viết và dễ “lấy điểm” nhất. Tuy nhiên, nhiều thí sinh vẫn chưa có kiến thức cũng như kỹ năng để làm tốt loại câu hỏi này. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 đang đến gần, xin chia sẻ một số kinh nghiệm về cách làm văn nghị luận xã hội.

 Các em học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) đang trao đổi
Các em học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) đang trao đổi bài học môn Ngữ văn. Ảnh: EX

Xác định kiểu, dạng câu hỏi nghị luận

Thông thường, ta dễ bắt gặp hai kiểu, dạng đề chính đó là: nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống xã hội. Câu hỏi nghị luận về đạo lý thường đề cập tới những vấn đề về đạo đức, lối sống, quan điểm sống... Dấu hiệu để nhận biết kiểu đề này thường là những câu nói, ý kiến trực tiếp để trong ngoặc kép của các nhà tư tưởng, các danh nhân, văn hóa nổi tiếng hay là một câu thơ, một ý kiến trích dẫn trong tác phẩm văn học… Còn câu hỏi nghị luận về hiện tượng đời sống xã hội thường đề cập tới nhiều vấn đề trong cuộc sống hằng ngày và mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: gian lận trong thi cử, tai nạn giao thông, bạo lực học đường, quan điểm về sống thử, tệ nạn xã hội, văn hóa thần tượng… Để làm được cả hai dạng văn này, đòi hỏi thí sinh phải có vốn hiểu biết phong phú về đạo đức, đời sống xã hội để vận dụng vào bài làm.

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới cách ra đề đối với dạng câu hỏi này theo hướng mở nhằm phát huy năng lực tư duy sáng tạo và cách cảm, cách nghĩ của người học. Với loại câu hỏi này, học sinh vừa có thể trình bày những quan điểm, suy nghĩ của mình về vấn đề được nêu trong câu hỏi, vừa có thể đưa ra những liên hệ hay dẫn chứng thiết thực và gần gũi trong cuộc sống vào bài viết của mình. Một thực tế là, vẫn còn nhiều bài làm của thí sinh lan man, xa đề, thiếu hay không có dẫn chứng… Một trong những nguyên nhân là do học sinh chưa đọc kỹ đề, chưa phân tích câu hỏi nên đã xác định sai kiểu đề, viết sai vấn đề cần nghị luận. Vì thế, muốn làm tốt câu hỏi này, trước hết, mỗi thí sinh phải đọc kỹ đề bài, chú ý những từ ngữ để nhận kiểu, dạng văn nghị luận.

Xác lập ý chính theo bố cục của từng dạng đề nghị luận

Bắt đầu từ năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thay đổi yêu cầu về hình thức viết đối với câu hỏi nghị luận xã hội (từ "hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ" thành "hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ"). Chính sự thay đổi này làm cho các thí sinh lúng túng không biết nên viết gì và viết như thế nào, thậm chí không biết cách trình bày sao cho hợp lý mà vẫn đảm bảo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Theo ý kiến của các chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo có nhiều kinh nghiệm, học sinh nên viết thành một đoạn văn lớn theo đúng yêu cầu của đề, trong đó tập trung vào làm sáng tỏ vấn đề cần giải thích, chứng minh và bàn luận.

Sau khi xác định được kiểu, dạng đề nghị luận, mỗi thí sinh cần bắt tay nhanh vào việc lập ý để xây dựng thành đoạn văn. Đối với câu hỏi nghị luận tư tưởng đạo lý, mở đầu đoạn văn ta phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Phần chính đoạn văn cần triển khai các ý: Nêu khái niệm, giải thích các từ ngữ; giải thích và chứng minh mặt đúng - sai của tư tưởng, đạo lý đó; bình luận mở rộng vấn đề: có thể là bác bỏ những biểu hiện sai lệch, khẳng định tính đúng đắn. Tất cả những bước trên ta phải có dẫn chứng đi kèm nhằm tăng tính thuyết phục cho người nghe, người đọc. Phần cuối đoạn văn thí sinh cần rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý đó. Đối với câu hỏi nghị luận về hiện tượng đời sống xã hội, mở đầu đoạn văn, ta phải giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận. Phần chính đoạn cần triển khai các ý: Nêu thực trạng của hiện tượng đời sống, hệ quả tác động (tích cực, tiêu cực) của hiện tượng, thái độ của con người và xã hội đối với hiện tượng, lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó (cả chủ quan lẫn khách quan), đưa ra giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Phần cuối đoạn văn cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận đồng thời bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng cần nghị luận.

Tích lũy kiến thức xã hội và nắm bắt thông tin kịp thời

Muốn đạt điểm cao ở câu hỏi này, ngoài kiến thức được học tại trường, người học phải có kiến thức và hiểu biết phong phú về đời sống xã hội. Nhiều giáo viên khi chấm bài làm của thí sinh đều cho rằng, rất nhiều bài thiếu ý và không có dẫn chứng, hoặc dẫn chứng không gắn với thực tế, không liên quan với câu hỏi. Có lẽ, ở trường học, ngoài việc dành thời gian cho việc học thì các em còn quá lệ thuộc vào cách học khuôn mẫu, thiếu tư duy, sáng tạo, thiếu kiến thức và hiểu biết về đời sống xã hội. Do vậy để đạt điểm cao, ngoài kiến thức được trang bị, các em phải không ngừng tìm kiếm, học hỏi và nắm bắt thông tin nhanh chóng thông qua nhiều kênh như: truyền hình, sách, báo, đài, các trang mạng xã hội tin cậy; thí sinh cần ghi chép lại những nhân chứng, bài học, tình huống hay và có ý nghĩa trong cuộc sống để làm tư liệu, dẫn chứng cho bài làm.

Phân phối thời gian hợp lý

Một bài nghị luận xã hội ngoài việc quy định về hình thức trình bày (thành đoạn văn) thì còn giới hạn về câu chữ, dung lượng (khoảng 200 chữ), vì thế thí sinh cần phân phối lượng thời gian làm bài sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, giải thích vấn đề không cần thiết. Trên cơ sở việc lập ý chính, chúng ta cần luyện cách viết và trình bày sao cho ngắn gọn, mạch lạc, có tính thuyết phục cao và cần trọng chất lượng hơn số lượng.

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.