Multimedia Đọc Báo in

"Dạy người"…

08:38, 08/09/2019

Tiếng trống khai trường đã điểm. Ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất, thầy cô giáo và học sinh đã có "chiếc la bàn" định hướng của năm học mới này với quyết tâm và ưu tiên của ngành Giáo dục là “dạy người”.

Thông điệp ấy đã được thể hiện trong Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2019 – 2020. Trong Thư, Chủ tịch nước mong thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động của ngành đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”; các em học sinh sinh viên noi gương thế hệ cha anh phấn đấu học tập tốt rèn luyện tốt, trở thành người vừa “hồng”, vừa “chuyên” như di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong năm học mới 2019 - 2020. Theo đó, công tác “dạy người” được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên, liên tục. Trả lời phóng vấn các cơ quan thông tấn báo chí, vị tư lệnh ngành - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định: Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục xác định việc “dạy người”, dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Với định hướng này, xã hội đang dõi theo và hy vọng về một sự chuyển biến tích cực hơn trong công tác dạy và học. Bởi thực tế thời gian qua, việc “trồng người” dường như mới nặng về kiến thức, “dạy chữ”, còn lỗ hổng về giáo dục nhân cách, đạo đức, phẩm chất, kỹ năng sống. Thật buồn khi gõ từ khóa “học sinh đánh nhau” trên trang tìm kiếm Google, chỉ trong tích tắc xuất hiện hàng triệu kết quả.

Còn theo thống kê của Cục Thống kê tội phạm, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, học sinh, sinh viên dễ mắc phải các tội phạm như cướp của, giết người, vận chuyển ma túy. Hàng loạt các vụ cướp, đâm chém do tư thù cá nhân mà hung thủ trong độ tuổi rất trẻ, dưới 25, thậm chí mới 16 - 17 tuổi. Con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội, sự sa sút đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên có nguyên nhân từ nội dung giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa được coi trọng và thực hiện hiệu quả; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục đạo đức lối sống chưa chặt chẽ.

Vậy nên, để hoạt động "dạy người" trong nhà trường có chuyển biến thiết thực, sự phối hợp giữa các bên là vô cùng cần thiết. Phụ huynh, giáo viên sắm nhiều vai trong sự nghiệp "trồng người" này. Ấy là cô giáo còn như mẹ hiền; cha mẹ là thầy cô lúc ở nhà. Thêm nữa cần coi trọng, đẩy mạnh đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh, sinh viên. Bởi văn hoá chính là bản sắc, là cốt cách, là những gì còn đọng lại. Đào tạo, xây dựng được lớp người có văn hoá, đạo đức chính là giá trị bền chặt của giáo dục.

Nhiều người thì cho rằng cứ tập trung thực hiện thực chất các khẩu hiện đã trở thành truyền thống của ngành Giáo dục: “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”,  “Tiên học lễ, hậu học văn” và đặc biệt là “Năm điều Bác Hồ dạy” thì đương nhiên giáo dục đã rất hoàn thiện. Không có đất cho căn bệnh thành tích, trường học sẽ là ngôi nhà hạnh phúc với những giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.