Multimedia Đọc Báo in

Bí quyết học để thực hiện ước mơ

08:43, 06/10/2019

Cố gắng học thật giỏi, trau dồi kỹ năng tự học, xây dựng thời khóa biểu khoa học là cách mà các em Mai Ngọc Anh (cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên), Dương Thị Khánh Huyền (cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Krông Ana) và H’Vi Niê (cựu học sinh lớp chuyên Hóa 2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) thực hiện để đạt được ước mơ của mình…

Giỏi Tiếng Anh bằng tự học

Mai Ngọc Anh (cựu học sinh lớp 12A1 Trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên) thích thú và say mê học Tiếng Anh từ nhỏ. Không có điều kiện đi học thêm, Anh tranh thủ thời gian rảnh rỗi sưu tầm các tài liệu về Tiếng Anh để tự học. Một trong những cách học hiệu quả của Ngọc Anh áp dụng là nghe và chép lại các bài hát bằng Tiếng Anh, từ đó em học được nhiều từ vựng, kỹ năng nghe cũng tốt hơn. 

Em Mai Ngọc Anh (bìa trái) cùng cô giáo và bạn học cùng lớp.
Em Mai Ngọc Anh (bìa trái) cùng cô giáo và bạn học cùng lớp.

Nhờ học giỏi Tiếng Anh nên Ngọc Anh đã được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Thực hành Cao Nguyên. Bên cạnh việc tham gia các cuộc thi Tiếng Anh trên mạng để trau dồi kỹ năng nghe – nói – đọc – viết thì em còn tham gia các cuộc thi Tiếng Anh do Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức. Trong 12 năm học, Ngọc Anh luôn là học sinh khá, giỏi và đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi: Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 (do Sở GD-ĐT Đắk Lắk tổ chức) và kỳ thi Olympic truyền thống 30-4 tại TP. Hồ Chí Minh năm 2017; Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 năm 2018. Năm học 2018 – 2019, Ngọc Anh đã giành giải Ba môn Tiếng Anh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đoạt giải Ba đồng đội cuộc thi Olympic Tiếng Anh của Trường Đại học Tây Nguyên năm 2018…

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Ngọc Anh đạt 25,45 điểm khối A1; trong đó, môn Tiếng Anh: 9,0 điểm, môn Toán: 8,2 điểm, môn Vật lý: 8,25 điểm. Với kết quả đó, Ngọc Anh đã thực hiện được ước mơ và nguyện vọng của mình bấy lâu nay là trở thành sinh viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Ngoài những thành tích về học tập, Ngọc Anh còn là một Bí thư Chi đoàn năng động, tham gia tích cực các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, được Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong phong trào Đoàn năm học 2017 - 2018. Năm học 2018 - 2019, em được Chi bộ nhà trường giới thiệu tham gia học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Chăm chỉ đọc sách để học tập hiệu quả

Điềm đạm, ít nói và sống nội tâm, cô học trò Dương Thị Khánh Huyền (cựu học sinh lớp 12A7, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Krông Ana) vô cùng yêu thích môn Văn.

Em Dương Thị Khánh Huyền (bên trái).
Em Dương Thị Khánh Huyền (bên trái).

Mẹ là giáo viên nên phần nào đã giúp cho Huyền có phương pháp học tập hiệu quả hơn, nhất là đối với môn Văn. Huyền bày tỏ: “Ngoài giờ học, em hay lên thư viện của trường hoặc ra các hiệu sách cũ để mua sách hoặc truyện về đọc. Đọc sách giúp em trau dồi vốn từ, khám phá nhiều nét đẹp trong cuộc sống. Nhờ đọc sách nhiều mà vốn từ ngữ của em được cải thiện, khả năng diễn đạt cũng tốt hơn rất nhiều khi làm các bài tập làm văn trên lớp”.

Ngay từ khi học THCS, Huyền đã tham gia thi học sinh giỏi cấp thành phố và đoạt giải Khuyến khích môn Văn. Trong 3 năm học THPT, Huyền luôn là học sinh giỏi và tiếp tục gặt hái được thành công khi giành Huy chương Vàng môn Văn trong kỳ thi Olympic truyền thống 10-3 năm 2018 và giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2019. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, dù đề thi môn Ngữ văn được đánh giá tương đối khó, mang tính phân hóa cao nhưng Huyền đã xuất sắc giành được 8,0 điểm. Với tổng điểm ba môn thi của khối D là 25,4, Huyền đã trở thành sinh viên của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đúng như ước mơ của mình.

Nữ sinh Êđê và ước mơ làm bác sĩ

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 vừa qua, em H’Vi Niê (cựu học sinh lớp chuyên Hóa 2 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du) đã xuất sắc đạt 25,5 điểm khối B (trong đó: môn Sinh: 8,75 điểm; môn Toán: 9,0 điểm và môn Hóa 7,75 điểm) cộng thêm 2,75 điểm ưu tiên, em đã trúng tuyển ngành Răng – Hàm – Mặt, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Em H'Vi Niê (bên trái).
Em H'Vi Niê (bên trái).

Để từng bước hiện thực hóa ước mơ trở thành bác sĩ, cô nữ sinh Êđê này đã phải nỗ lực rất nhiều. Gia đình H’Vi thuộc diện hộ cận nghèo, không có nương rẫy. Để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học, bố em phải chạy xe ôm và mẹ làm thuê cho các nhà vườn. Thương bố mẹ vất vả, khổ cực nên ngay từ nhỏ, H’Vi đã nhận ra một điều là chỉ có đi học mới mong thoát nghèo và có thể giúp đỡ được nhiều người thân trong gia đình mình. Vì vậy em luôn nỗ lực học thật giỏi và sớm hình thành cho mình một ý thức tự lập, tự học, tự rèn luyện ngay từ nhỏ.

Trong 3 năm học THPT, H’Vi luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi với số điểm trung bình 8,1 điểm. Em còn đoạt giải Nhì trong Kỳ thi Hóa học Hoàng gia Australia năm 2018. Ước mơ trở thành bác sĩ, ngay từ lớp 10, H’Vi đã chọn học theo khối B. Em luôn cố gắng nắm bắt những nội dung cơ bản trên lớp, về nhà làm thêm nhiều bài tập, tìm hiểu các dạng bài trong sách tham khảo có liên quan tới bài học và môn học của mình. H’Vi chia sẻ: “Nhiều bạn cho rằng các môn khối B thường phải học rất vất vả bởi đều là các môn khó “nhằn”. Song, nếu học theo hệ thống kiến thức sắp xếp khoa học, tận dụng sơ đồ tư duy thì sẽ dễ nhớ, dễ hiểu. Bí quyết của em là trong quá trình học trên lớp cũng như học ở nhà mình thì phải thật tập trung và siêng năng. Mỗi ngày em dành từ 4 - 5 giờ cho việc tự học tại nhà, rảnh lúc nào là em lại ngồi vào bàn học lúc ấy nên có thể ghi nhớ kiến thức rất lâu”.

Dự định sắp tới của H’Vi là sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập thật tốt tại Đại học Y Dược để sau này trở thành một bác sĩ giỏi ở quê hương của mình.

Cao Nguyên - Đoàn Hân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.