Điểm tựa của học sinh vùng khó
Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được xem là điểm tựa giúp học sinh đang sinh sống tại những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục hành trình tìm con chữ.
Ấm lòng học sinh vùng khó
Để triển khai thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND, ngày 11-10-2017 quy định khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng quy định và đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi trên. Theo đó, mỗi học sinh được hưởng chính sách này không quá 9 tháng/năm học, bao gồm: tiền ăn với mức hỗ trợ 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở hỗ trợ 10% mức lương cơ sở (nếu học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở trong trường) và 15 kg gạo/tháng…
Học sinh Trường THCS Cư Pui (huyện Krông Bông) học bài trong ký túc xá của trường. Ảnh: V.Tiếp |
Trong 3 năm học (2016 - 2017, 2017 - 2018 và 2018 - 2019), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD-ĐT, UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các sở, ngành, Cục Dự trữ Nhà nước Nam Tây Nguyên, Cục Dự trữ Nhà nước Đông Nam Bộ cấp, phát hơn 3.653 tấn gạo, hỗ trợ trên 124 tỷ đồng tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh. Cụ thể năm học 2016 - 2017, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở trên 27,3 tỷ đồng (trong đó phòng GD-ĐT gần 11 tỷ đồng, trường THPT hơn 16 tỷ đồng), cấp hơn 1.000 tấn gạo cho học sinh. Năm học 2017 - 2018, hỗ trợ gần 40,3 tỷ đồng (phòng GD-ĐT hơn 19,7 tỷ đồng, trường THPT 20,6 tỷ đồng), cấp hơn 1.155 tấn gạo. Năm học 2018 - 2019, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở hơn 56,3 tỷ đồng (phòng GD-ĐT gần 30,4 tỷ đồng, trường THPT gần 26 tỷ đồng), cấp hơn 1.425 tấn gạo.
Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Đrắk) có khoảng 1.300 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 40% tổng số học sinh. 9/10 xã, thị trấn có học sinh ở xa trường trên 10 km, có những nơi cách trường 30 - 60 km, tỷ lệ học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Trong 3 năm học qua, có 1.182 học sinh của trường được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nghị định 116 (gồm: 877 học sinh DTTS, 305 học sinh người Kinh) với tổng kinh phí hơn 6,5 tỷ đồng, trên 155 tấn gạo.
Cô giáo Võ Đăng Mỹ Hảo, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, với số lượng học sinh được thụ hưởng chính sách lớn, để thực hiện đảm bảo đầy đủ, kịp thời, nhà trường đã phân công một Phó Hiệu trưởng phụ trách, phối hợp với tổ hành chính và giáo viên chủ nhiệm tổ chức hướng dẫn học sinh kê khai, tổ chức thu nhận hồ sơ, kiểm tra đối tượng, lập danh sách trình Sở GD-ĐT, tỉnh phê duyệt…, sau đó tổ chức cấp phát gạo kịp thời cho học sinh. “Nhờ Nghị định 116, số lượng học sinh, đặc biệt học sinh DTTS tăng qua hằng năm, học sinh ở xa trường, học sinh DTTS, học sinh thuộc gia đình quá khó khăn ngày càng có nhiều cố gắng nỗ lực vươn lên; tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh DTTS rèn luyện và học tập tốt, khá càng ngày tăng…” - cô giáo Hảo khẳng định.
Còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở GD-ĐT việc cấp phát gạo, hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở cho học sinh theo Nghị định 116 trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, vướng mắc. Đó là một số huyện chưa chỉ đạo kịp thời Phòng GD-ĐT tổng hợp danh sách học sinh đề nghị hỗ trợ theo Nghị định 116 để tham mưu UBND huyện phê duyệt. Việc thống kê, tổng hợp số lượng học sinh thuộc hộ nghèo của các cơ sở giáo dục gặp khó khăn do sổ hộ nghèo thường được cấp vào đầu năm (tháng 1) nhưng việc tổng hợp danh sách học sinh lại vào đầu năm học (tháng 8) nên có sự sai lệch về số lượng cần điều chỉnh.
Học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) luyện chữ. |
Một số học sinh có hộ khẩu ngoài tỉnh ở các địa bàn giáp ranh (Lâm Đồng, Đắk Nông) theo học tại tỉnh Đắk Lắk đáp ứng các điều kiện của Nghị định 116 chưa được hỗ trợ. Và nhiều học sinh chưa có sổ hộ khẩu nhưng thỏa mãn các điều kiện còn lại của Nghị định 116 cũng không được hỗ trợ.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT năm học 2016 - 2017 có 424 học sinh, năm học 2017 - 2018 có 475 học sinh và năm học 2018 - 2019 có 443 học sinh. Một khó khăn nữa mà cơ sở giáo dục gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 116 là số lượng gạo của các đơn vị được hỗ trợ theo từng đợt lớn, trong khi đó hầu hết các đơn vị không có kho để lưu giữ gạo. Để khắc phục vấn đề này, một số trường học đề nghị Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước cấp, phát gạo 2 lần/học kỳ để giảm bớt khối lượng gạo của các đơn vị được hỗ trợ/1lần, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phát cho học sinh và bảo quản.
Một số huyện chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo kiểm tra và giám sát việc tổ chức thực hiện của các cơ sở giáo dục nên dẫn đến việc sử dụng kinh phí hỗ trợ của học sinh chưa đúng. Sắp tới, UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở GD-ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai, kiểm tra và giám sát để việc cấp phát được tiến hành thuận lợi, kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc