Lớp học đặc biệt ở xã vùng ven
Tầm 7 giờ tối các thứ 3, 5 và 7 hằng tuần, nhiều người dân ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) lại tập trung tại hội trường thôn 1 để tập đọc, tập viết ngôn ngữ của người Thái.
Năm 2016, Câu lạc bộ (CLB) Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái tại xã Hòa Phú được thành lập với mục đích giữ gìn tiếng nói, chữ viết, các loại hình nghệ thuật… của cộng đồng người Thái ở đây. Thành viên CLB đã tổ chức lớp học tiếng Thái, thường học vào các buổi tối thứ 3, 5 và 7 trong tuần, nhưng tùy từng thời điểm cụ thể mà giờ giấc có thể linh động. Do học viên ở nhiều độ tuổi, nhiều thành phần nên sĩ số cũng tùy thuộc vào từng khoảng thời gian. Chẳng hạn như vào vụ thu hoạch cà phê từ tháng 10 đến tháng 12, thu hoạch điều từ tháng 2 đến tháng 4 hằng năm thì số lượng học viên là nông dân sẽ ít hơn, ngược lại vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần thì học viên lứa tuổi đang đi học phổ thông sẽ ít hơn.
Học viên tập viết tại lớp học tiếng Thái. |
Là một trong những học viên lớn tuổi nhất của lớp học, bà Lừ Thị Hà năm nay gần 70 tuổi (thôn 1) chia sẻ, bà là người Thái, quê gốc ở tỉnh Sơn La, từ nhỏ chỉ biết nói tiếng dân tộc Thái chứ không biết viết. Từ khi CLB mở lớp bà đăng ký tham gia lớp học, đến nay đã biết hết bảng chữ cái, viết ghép được nhiều từ, câu bằng chữ Thái.
Học viên Trần Thị Ngọc Thạch (thôn 1) dù quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng lấy chồng là người gốc Thái nên tự mày mò để học tiếng và chữ Thái. Từ những cuốn sách, vở mà chồng bà lưu giữ ở nhà bà đã học các chữ cái của người Thái, cái nào không biết lại hỏi chồng. Nhờ đó, mặc dù mới tham gia lớp học hơn một tháng nay, nhưng bà đã viết được nhiều chữ cái, ghép được nhiều câu dài bằng chữ của người Thái. Bà Thạch tâm sự, chữ viết của người Thái nhìn qua thì thấy khó, nhưng nếu chịu khó học hết các nét cơ bản, thuộc bảng chữ cái thì việc ghép chữ không khó.
Tương tự, tại lớp học, các học viên đều học trên tinh thần người biết ít hỏi người biết nhiều, người chưa biết hỏi người đã biết. Là một trong những học viên trẻ tuổi của lớp học, mặc dù mới theo học được ít buổi nhưng anh Tống Phi Công (sinh năm 1988, ngụ thôn 9) đã viết được một nửa bảng chữ cái tiếng Thái. Anh cho hay, ngoài việc xem quyển sách được CLB phát để biết nét chữ, ở lớp học anh hỏi thầy và các học viên nên cũng dễ thuộc các nét chữ, nếu chịu khó thì chỉ cần một tháng anh sẽ viết được nhiều chữ ghép bằng tiếng Thái.
Thành viên Câu lạc bộ hướng dẫn học viên cách viết, đọc tiếng Thái. |
Để lớp học được duy trì đều đặn có sự đóng góp rất lớn của các thành viên trong CLB Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Thái tại xã Hòa Phú. Đó là thầy Tống Văn Phương – người thường xuyên đứng lớp và hai “trợ giảng” đắc lực là ông Lò Văn Phin, Tống Văn Thìn và một số thành viên CLB.
Thầy Tống Văn Phương cho biết, các thành viên trong CLB phải tự đóng góp kinh phí để phô tô tài liệu, sách vở, mua bút viết phát cho học viên. Việc dạy và học đều trên tinh thần tự nguyện nên những “giáo viên” như ông đều phải là những người rất tâm huyết, còn học viên thì phải có niềm đam mê thật sự. Niềm vui của những người dạy ở lớp học đặc biệt này, đối với ông cũng như các thành viên trong CLB là sự có mặt của các học viên mỗi buổi học. Tuy nhiên, nguồn kinh phí hoạt động không có, nên lớp học thiếu thốn về cơ sở vật chất rất nhiều, từ viên phấn, bảng viết đến tiền điện sử dụng tại lớp học đều do thành viên trong CLB vận động đóng góp.
Ông Phan Văn Thanh, công chức văn hóa – xã hội xã Hòa Phú trăn trở, hiện nay cộng đồng người Thái ở xã Hòa Phú rất đông, toàn xã có 565 hộ với 2.879 khẩu là người Thái, tập trung ở một số thôn: 1, 4, 5, 9 và 10; trong đó, đông nhất là ở thôn 1 và thôn 9, cộng đồng người Thái chiếm từ 80 – 90% tổng số hộ dân của thôn, nên việc lưu giữ bản sắc văn hóa Thái trên địa bàn hết sức cần thiết. Do đó, mong muốn trong thời gian tới, các cấp liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ một phần kinh phí nhằm duy trì lớp học ngôn ngữ Thái trên địa bàn xã.
Ý kiến bạn đọc