Multimedia Đọc Báo in

Xác nhận học sinh hưởng chế độ theo Nghị định 116 ở Cư Kbang: Vẫn còn những bất cập

08:50, 29/12/2020

Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn thời gian qua đã giúp nhiều học sinh tiếp tục được đến trường.

Theo đó, mỗi học sinh được hưởng chính sách này không quá 9 tháng/năm học, bao gồm: tiền ăn với mức hỗ trợ 40% mức lương cơ sở; tiền nhà ở hỗ trợ 10% mức lương cơ sở và 15 kg gạo/tháng.

Trong số các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116 có quy định: học sinh tiểu học có nhà ở xa trường từ 4 km trở lên và từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá...

Theo đó, trong năm học 2019 - 2020, tại Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) có 35 học sinh đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ Nghị định 116. Các trường hợp này chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại khu vực thôn 16 (xã Cư Kbang) và các vùng lân cận. Nhiều em đi học bằng xe đạp cũ, để tới được trường thường phải xuất phát trước khi vào học tầm 2 tiếng đồng hồ.

Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) chi trả chế độ cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ.
Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) chi trả chế độ cho học sinh thuộc diện được hỗ trợ.

Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ sơ để hưởng ưu đãi theo Nghị định 116, nhiều học sinh không được chính quyền địa phương ký xác nhận đủ điều kiện về quãng đường đi học bởi lý do “không đủ số kilômét để xác nhận”.

Anh Lý Văn Điền (trú thôn 16, xã Cư Kbang) có con đang học tại Trường THCS Bế Văn Đàn băn khoăn: “Thực tế nhà tôi ở cách trường hơn 8 km, không hiểu tại sao chính quyền xã lại trả lời không đáp ứng yêu cầu về quãng đường?”. Tương tự, gia đình chị Nông Thị Liên cũng cảm thấy rất thắc mắc khi không được chính quyền địa phương xác nhận đủ điều kiện. Gia đình chị Liên hiện có hai con đang theo học tại Trường THCS Bế Văn Đàn; hằng ngày các con chị phải đạp xe đi học từ rất sớm mới kịp giờ học.

Theo tìm hiểu được biết cách đo khoảng cách từ trường đến nhà giữa phụ huynh học sinh và chính quyền xã là khác nhau. Người dân đo khoảng cách dựa trên thực tế quãng đường đi; trong khi chính quyền xã cho rằng việc xác minh khoảng cách cư trú phải phụ thuộc vào ranh giới được trích lục theo bản đồ địa chính. Theo bản đồ, điểm xa nhất của thôn 16 chỉ dừng lại ở khu vực trạm cân của thôn, còn những hộ có con em theo học lại nằm ngoài khu vực thôn 16 hoặc ở những khu vực lấn chiếm đất rừng nên chính quyền không thể xác minh khoảng cách nơi cư trú cho học sinh.

Ông Cao Thanh Hoài, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kbang cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để người dân có thể thuận tiện trong việc làm thủ tục, giấy tờ. Đối với vấn đề này, chúng tôi đã kiểm tra và cân nhắc kỹ trước khi quyết định không xác nhận đủ số kilômét đối với học sinh khối THCS đang theo học trên địa bàn. Khi nhận được phản hồi từ phía phụ huynh học sinh và nhà trường, chúng tôi đã cắt cử cán bộ địa chính xã tiến hành đo đạc từ trung tâm xã đến thôn xa nhất của xã là thôn 16 (căn cứ trên địa giới hành chính của xã) song số kilômét chỉ là trên 5 km”.

Trang Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.