Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông nỗ lực vận động học sinh trở lại lớp

15:25, 31/01/2020
Sau Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh bỏ học tại một số xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Krông Bông thường có xu hướng gia tăng, chính vì vậy các trường học trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp để huy động học sinh ở lại lớp.
 
Nhiều học sinh bỏ học
 
Đang học dang dở chương trình lớp 9 tại Trường THCS Cư Drăm, nhưng em Giàng Seo Tài (thôn Cư Dhắt, xã Cư Drăm) lại bỏ ngang, không đến lớp nữa. Ông Giàng Seo Tủa, bố của Tài than vãn, do học kém nên Tài ngày càng lười học, bố mẹ lại không được học nhiều nên không thể kèm cặp con, chỉ biết động viên con cố gắng đi học mà thôi. Khi biết Tài bỏ học, cả gia đình, nhà trường và địa phương đã nhiều lần đến vận động em đi học lại, nhưng đều không có kết quả.
 
Trưởng thôn Cư Dhắt Ma A Xà cho biết, mỗi năm trong thôn đều có từ 2 đến 3 học sinh bỏ học giữa chừng do nhiều nguyên nhân, cháu thì bị lưu ban nên nghỉ, cháu thì đi làm xa kiếm tiền, có cháu lại do gia đình khó khăn quá nên không đủ chi phí trang trải học hành… Cũng cùng những nguyên nhân trên, trong năm học 2018-2019, trên địa bàn thôn Ea Bar, xã Cư Pui cùng có 3 học sinh bỏ học, rải đều ở 3 cấp. Ông Sùng Minh Sơn, Trưởng thôn Ea Bar nhận định, thông thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỉ lệ học sinh nghỉ học gia tăng do theo cha mẹ, anh chị đi làm ăn xa hoặc ở nhà lên nương, rẫy…
 
Một tiết học của thầy và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Drăm).
Một tiết học của thầy và trò Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Drăm).
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, trong năm học 2018-2019, toàn huyện có đến 156 học sinh bỏ học, trong đó có 22 học sinh tiểu học và 134 học sinh THCS. Riêng học kỳ 1 năm học 2019-2020 có 54 học sinh bỏ học, trong đó tiểu học có 7 học sinh và THCS có 47 học sinh. Đa phần học sinh bỏ học ở nhóm cuối cấp THCS. Nguyên nhân chủ yếu là do học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số có học lực yếu kém, ham chơi, gia đình lại thiếu sự quan tâm đến con cái dẫn đến chán nản, bỏ học. Bên cạnh đó cũng có nhiều em điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.
 
Nỗ lực vận động
 
Ngay từ đầu năm học, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là ở những xã có đông học sinh dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ, trên địa bàn xã tập trung rất đông học sinh người Hmông. Chính vì vậy công tác tuyên truyền, vận động được địa phương triển khai thường xuyên và quyết liệt hơn. Ngoài phối hợp với nhà trường, các đoàn thể và thôn, buôn, xã còn phối hợp với trưởng các điểm nhóm Tin lành và những già làng, người có uy tín trên địa bàn để vận động, thuyết phục các em học sinh hiểu rõ được vai trò của việc học. Nhờ vậy tỷ lệ bỏ học trên địa bàn xã năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
 
“Nhờ triển khai nhiều hướng tuyên truyền, vận động học sinh và phụ huynh, trong đó chú trọng hỗ trợ học sinh khó khăn về vật chất và kiến thức mà tỉ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ 1 năm học 2019-2020 chỉ còn 54 em, giảm nhiều so với năm trước (70 học sinh). Các trường cũng đã vận động được 15 em đi học lại”- Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Bông Lê Xuân Quý.

Thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Yang Mao cho hay, trước khi nghỉ Tết, nhà trường thường rà soát đối tượng học sinh có nguy cơ bỏ học để chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm kèm cặp, làm công tác tư tưởng cũng như thường xuyên theo dõi để kịp thời có phương án giúp đỡ. Đối với các em học sinh bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn, nhân dịp Tết về sum họp cùng gia đình, nhà trường sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà tiếp tục vận động.

Còn theo thầy Y Sang Niê, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Drăm, bên cạnh công tác hỗ trợ, chăm lo cho học sinh, giáo viên chủ nhiệm, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên liên lạc qua điện thoại với phụ huynh để thông báo tình hình học tập của con em, từng bước phối hợp với gia đình giáo dục, hạn chế thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. 
 
Đồng thời, nhà trường đã tập trung thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn theo quy định của Nhà nước và huy động các nguồn lực khác hỗ trợ học sinh bằng học bổng, quà. Ngoài ra, nhà trường còn mở lớp dạy phụ đạo cho các em học sinh có học lực yếu, kém để giúp các em tiến bộ, không chán nản, bỏ học. Tùy vào năng lực của các em, giáo viên sẽ có phương pháp bồi dưỡng cho học sinh, nhờ đó đã thực hiện tốt công tác vận động học sinh trở lại lớp, giảm rõ rệt tình trạng học sinh bỏ học.
 
Với những nỗ lực của nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh học sinh, tin rằng trong năm học này, huyện Krông Bông sẽ duy trì tốt sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học.
 
Khả Lê
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.