Tây Nguyên trong mắt du học sinh Lào
Theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên, các du học sinh Lào được trải nghiệm và có ấn tượng đẹp về vùng đất Tây Nguyên.
Tình người nồng hậu
Rời xa quê hương đến tỉnh Đắk Lắk học tập, thời gian đầu các em du học sinh Lào không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng. Nhưng tình cảm nồng hậu của bè bạn, thầy cô đã giúp các bạn dần quen và trở nên cảm mến nơi đây.
Thidphaphone Duangphachanh - sinh viên năm ba, chuyên ngành Y đa khoa vẫn nhớ khi mới rời quê nhà ở tỉnh Attapeu (Cộng hòa DCND Lào) đến Trường Đại học Tây Nguyên vào tháng 10-2017, mọi thứ ở đây đều lạ lẫm, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán đến đi lại, ăn uống... khiến em rất lo lắng. Chưa quen khí hậu, lại bồn chồn nhớ nhà nên hay bị ốm. Đã vậy, do sử dụng tiếng Việt chưa thành thạo nên Thidphaphone gặp khó trong giao tiếp, phần nào ảnh hưởng đến việc học tập.
Các du học sinh Lào trao đổi bài học. |
Những khó khăn ban đầu làm Thidphaphone nản lòng, nhưng sau đó em được các thầy cô và bạn bè trong lớp, trong trường quan tâm, hỗ trợ học tập, rèn tiếng Việt và làm quen với sinh hoạt nơi đây. Thầy cô còn dành tặng cho em những món quà nhỏ như: chiếc chăn, gối... khi trời trở lạnh. Sự quan tâm chân tình ấy cũng đủ làm em cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để cố gắng. Nhờ vậy, Thidphaphone đã dần vượt qua khó khăn, thích nghi với môi trường mới, đạt được kết quả cao trong học tập và hiện tại em có thể nói, viết tiếng Việt một cách lưu loát.
Toy-Phommachan, sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp cũng rất xúc động khi nhận được sự quan tâm giúp đỡ thiết thực của thầy cô và bạn bè trong trường. “Khi mới rời quê ở tỉnh Champasak đến đây, do vốn tiếng Việt còn hạn chế nên em rất lo lắng. Thế nhưng sự thân thiện, cởi mở của mọi người đã giúp em xua tan nỗi lo. Em được thầy cô sắp xếp ở trong ký túc xá dành cho du học sinh Lào và được các bạn sinh viên trong trường giúp làm quen với mọi sinh hoạt, học tập”, Toy thích thú chia sẻ.
Nét văn hóa tương đồng
Ngoài thời gian trên lớp, du học sinh Lào còn có nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá văn hóa Tây Nguyên. 3 năm theo học tại Trường Đại học Tây Nguyên, Thidphaphone Duangphachanh đã có vốn hiểu biết nhất định về văn hóa Tây Nguyên. Em kể rằng, qua các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan của trường, biết được các điệu múa xoang, văn hóa cồng chiêng, đặc biệt là nhiều lễ hội đặc sắc phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân như: Lễ hội đua voi ở Buôn Đôn, Lễ hội đua thuyền ở Lắk, Lễ bỏ mả, Lễ cúng lúa mới của người Êđê... Các em rất ấn tượng với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019. Ngoài không khí nhộn nhịp, tràn ngập màu sắc của nhiều màn biểu diễn hấp dẫn nhằm tôn vinh giá trị của cà phê, thì điều hấp dẫn hơn cả là màn diễu hành của đàn voi Tây Nguyên, mang lại vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của núi rừng, gợi nhớ về đất nước Triệu Voi của các em.
Trường Đại học Tây Nguyên hiện có 13 du học sinh Lào theo học, các em được tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ toàn bộ học phí và tiền trợ cấp hằng tháng, được nhà trường hỗ trợ chỗ ở miễn phí (ký túc xá Lào) và tiền xe dịp lễ, Tết... |
Bận rộn với việc học không thể về quê hương đón Tết, các du học sinh Lào thường tham dự đón Tết truyền thống Bunpimay của người Lào tại Buôn Đôn (từ ngày 14 - 15 tháng 4 hằng năm, thời gian này cũng trùng với ngày Tết ở nước Lào). Đến từ tỉnh Attapeu (Lào), bạn Bounthasone Sitthikoun, sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Thú y cho hay, Tết Bunpimay của người Lào ở Buôn Đôn cũng có các nghi lễ: té nước, tắm Phật, buộc chỉ tay... như Tết ở nước Lào, mang đến cho em cảm giác thân thuộc như chính quê hương mình, giúp vơi đi nỗi nhớ nhà. Đây cũng là dịp để Bounthasone cùng bạn bè tham quan điểm du lịch cầu treo Buôn Đôn, ngoài vẻ đẹp hoang sơ của cảnh sắc thiên nhiên, các em còn được thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng của Tây Nguyên như: gà nướng, cơm lam, thịt heo rừng nướng... Chuyến đi đã để lại nhiều cảm xúc và những trải nghiệm mới mẻ về vùng đất mình đang sống, học tập.
Ngoài những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội độc đáo, các du học sinh còn rất thích hương vị cà phê Buôn Ma Thuột. Các em thường lựa chọn những quán tĩnh lặng để đọc sách và thưởng thức ly cà phê thơm phức vào những ngày cuối tuần. Những trải nghiệm trên vùng đất Tây Nguyên hiền hòa đã cho các em cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc như quê hương thứ hai của mình.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc