Multimedia Đọc Báo in

Học trực tuyến mùa dịch Corona

09:16, 12/02/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã lên phương án dạy học online nhằm giúp các em học sinh, sinh viên có thể chủ động học tập tại nhà.

Dù không phải đến trường nhưng hơn 700 sinh viên Trường Cao đẳng FPT polytechnic Tây Nguyên vẫn ôn tập bài và cập nhập kiến thức mới qua dạy và học trực tuyến.

Theo đó, để có thể học online tốt nhất, giảng viên, sinh viên phải chuẩn bị máy tính hoặc smartphone có kết nối Internet và cài đặt ứng dụng Hangout Meet. Ứng dụng này không chỉ cho phép sinh viên làm bài trực tuyến, tương tác, trao đổi với giảng viên như ngồi trong lớp học mà giáo viên còn có thể số hóa tài liệu, thiết lập giáo án điện tử thay bài giảng truyền thống.

Học sinh Trường THCS và THPT Đông Du học trực tuyến tại nhà.
Học sinh Trường THCS và THPT Đông Du học trực tuyến tại nhà.

Ngoài ra, phần mềm ứng dụng Hangout Meet cũng là công cụ đắc lực để giảng viên điểm danh, kiểm tra kết quả học tập và theo dõi quá trình học trực tuyến của sinh viên. Cô Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên cho biết, chương trình đào tạo giảng dạy online thực tế đã được nhà trường triển khai trong thời gian qua ở các môn học như: tiếng Anh, Pháp luật, Chính trị… nhưng đây là lần đầu tiên nhà trường ứng dụng dạy học trực tuyến rộng rãi đối với nhiều môn học chuyên ngành. Đến nay, tất cả sinh viên và giảng viên của trường đã có tài khoản, các em chỉ cần truy cập vào tài khoản của mình là có thể tham gia lớp học trực tuyến cùng giảng viên.

Giảng viên Trường Cao đẳng FPT polytechnic Tây Nguyên dạy học trực tuyến cho sinh viên.
Giảng viên Trường Cao đẳng FPT polytechnic Tây Nguyên dạy học trực tuyến cho sinh viên.
 

“Việc thay đổi cách dạy học không chỉ nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh do nCoV diễn biến phức tạp mà còn là cơ hội thúc đẩy phát triển phương pháp học trực tuyến trong thời đại công nghệ số hiện nay”.

 

 
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp

Tương tự, để bảo đảm tiến độ học tập của học sinh trong điều kiện không thể tổ chức dạy học tập trung, Trường THCS và THPT Đông Du cũng triển khai dạy học từ xa cho học sinh trong thời gian tạm nghỉ. Để dạy online hiệu quả, các thầy cô trong trường đã chủ động soạn bài giảng trực tuyến. Tùy theo từng môn học, giáo viên giới thiệu nội dung kiến thức mới, tài liệu tham khảo và gửi dữ liệu bài tập qua Facebook, Zalo cho học sinh.

Ngoài ra, giáo viên và học sinh sẽ chat video hoặc livestream theo đúng thời khóa biểu của nhà trường qua nhóm chat trên Facebook của từng lớp để thảo luận, giải đáp thắc mắc và giúp các em không sao nhãng việc học tập. Thầy Phan Thanh Minh, giáo viên Trường THCS và THPT Đông Du bày tỏ: “Việc dạy học trực tuyến rất tiện ích nên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của  phụ huynh và học sinh. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục làm ra nhiều bài giảng online hay, hấp dẫn, giúp các em học tập hiệu quả”.

Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12, giáo viên sẽ chú trọng gửi bài tập các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Hóa, Lý… nội dung bám sát chương trình ôn tập Kỳ thi THPT quốc gia. Theo đó, tất cả học sinh cuối cấp đều tranh thủ thời gian nghỉ để ôn luyện cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Em Đặng Kiều Gia Hân, học sinh lớp 12A5, Trường THCS và THPT Đông Du chia sẻ: “Để không lãng phí những ngày nghỉ em thường xuyên tự ôn tập ở nhà bằng cách luyện nghe - nói tiếng Anh trên Youtube và tải thêm video bài giảng trên mạng về học. Bên cạnh đó, thầy cô giáo còn gửi bài giảng, bài tập qua nhóm chat Facebook của lớp để học sinh tự học. Nếu có chỗ nào không hiểu em sẽ nhắn tin hoặc gọi điện thoại trực tiếp hỏi giáo viên. Em mong dịch bệnh do nCoV nhanh chóng được khống chế để có thể sớm đến trường cùng các bạn”.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.