Multimedia Đọc Báo in

Chìa khóa 4.0...

10:25, 22/03/2020

Kể từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, dù không đến trường nhưng học sinh Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) vẫn không nghỉ bất kỳ một ngày nào, không bỏ bất cứ một môn học nào.

Mọi hoạt động dạy và học vẫn diễn ra đúng như thời khóa biểu bình thường. Đó là bởi nhà trường đã rất chủ động, triển khai kịp thời việc dạy trực tuyến ngay khi dịch bắt đầu bùng phát. Đúng giờ vào lớp theo quy định, lớp cũng điểm danh; nền nếp học tập của học sinh vẫn duy trì. Dạy học trực tuyến, giáo viên vất vả hơn bình thường, do vừa phải soạn giáo án, vừa chuyển hóa bài dạy thành slide để học sinh xem trên máy tính. Trước giờ lên lớp, thầy cô đưa lên mạng nội dung bài học để học sinh nghiên cứu trước; sau mỗi tiết lại gửi lên mạng phần hướng dẫn học và bài tập về nhà.

Không chỉ Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh tiếp tục được ở nhà, nhiều trường đã áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến để bảo đảm chương trình, kiến thức cho các em. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tăng cường các hình thức dạy học qua Internet, truyền hình một cách phù hợp và đảm bảo chất lượng; trên cơ sở tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác. Mới đây nhất, Bộ đã cho phép công nhận kết quả học trực tuyến.

Giáo viên bậc THCS Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) đang
Giáo viên bậc THCS Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) đang dạy trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Đ Hoàn

Không chỉ có giáo dục, với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép mà Thủ tướng Chính phủ đề ra là vừa chống dịch tốt, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều đơn vị, ngành nghề cũng đã và đang tích cực khai thác, phát huy ưu thế của khoa học công nghệ. Không ít doanh nghiệp đã cho người lao động làm việc online, hạn chế đến công sở để tránh tập trung, tiếp xúc đông người. Hình thức đi chợ “kiểu 4.0” cũng lên ngôi mùa dịch Covid-19. Nhiều người đã lựa chọn mua sắm trực tuyến hay thanh toán online thay vì tiền mặt để hạn chế lây nhiễm. Các hệ thống bán lẻ có cơ hội tung ra hàng loạt các dịch vụ mới, an toàn cho khách hàng. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp học cách phản ứng, thích nghi. Và trong những giải pháp để tái cơ cấu, sắp xếp phù hợp, đặc biệt là quản trị tốt, thì ứng dụng công nghệ chính là lựa chọn của đại đa số doanh nhân.

Liên quan đến giải quyết các thủ tục hành chính, nhiều địa phương, đơn vị cũng khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Trong các phiên họp về phòng chống dịch Covid-19, xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế xã hội trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ cũng nhấn mạnh tới giải pháp sẽ cải cách mạnh mẽ hơn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, toàn diện hơn, đặc biệt là ứng dụng những dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 để giảm phiền hà, tạo thuận lợi cho sự phát triển.

Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra nhiều cơ hội; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Những tiện ích của khoa học công nghệ đã được khẳng định. Chỉ có điều do nhiều lý do, trong đó có cả khách quan và chủ quan, tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn nên tính ứng dụng của nó vẫn chưa được mạnh mẽ. Nhưng rõ ràng, từ đại dịch này, những đòi hỏi về đổi mới, sáng tạo, tích cực đưa công nghệ vào cuộc sống thêm một lần nữa được nghiêm túc nhìn nhận và hành động. Minh chứng là chìa khoá 4.0 đã trở thành một trong những giải pháp phá bỏ cánh cửa mang tên ảnh hưởng dịch bệnh, từng bước hóa giải khó khăn của nhiều đơn vị, doanh nghiệp, địa phương những ngày qua. Và không chỉ ứng phó với dịch bệnh, chắc chắn đó cũng là sẽ lựa chọn tất yếu trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội.

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.