Multimedia Đọc Báo in

Hai cậu học trò đam mê sáng tạo khoa học

09:12, 22/03/2020

Năm 2018, trong chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), em Nguyễn Hồng Sơn và em Nguyễn Tiến Tài (học sinh lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Khuyến, huyện Ea Kar) được ngắm những cây hoa lan bám chặt thân cây, hoa tỏa hương thơm dịu. 

Song điều đáng buồn là loài hoa này đang bị con người khai thác triệt để dẫn đến nguy bị tuyệt chủng., điều đó thôi thúc hai cậu học trò nung nấu ý tưởng bảo tồn các loại hoa lan quý hiếm này.

Hằng ngày, sau giờ học chính khóa, Sơn và Tài lại cặm cụi với chiếc máy cảm biến lấy tín hiệu từ môi trường để thiết lập chương trình. Thời gian đầu, đôi bạn cũng gặp khá nhiều khó khăn vì đây là lần đầu tiên các em lập trình một chương trình với nhiều thiết bị điện tử nên chưa có kinh nghiệm, chủ yếu là tự mày mò, tìm hiểu. Sau 3 tháng miệt mài, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và các bạn, Sơn và Tài đã chế tạo thành công mô hình “Nhà trồng lan thông minh”. Sản phẩm này đã được trao giải Nhì tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh THCS tỉnh Đắk Lắk năm học 2019 - 2020.

Em Nguyễn Hồng Sơn  (bên phải) và em Nguyễn Tiến Tài (giữa) nhận giải Nhì tại Cuộc thi khoa học,  kỹ thuật dành cho học sinh THCS tỉnh  Đắk Lắk  năm học  2019 - 2020.
Em Nguyễn Hồng Sơn (bên phải) và em Nguyễn Tiến Tài (giữa) nhận giải Nhì tại Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh THCS tỉnh Đắk Lắk năm học 2019 - 2020.

Mô hình “Nhà trồng lan thông minh” có tính ưu việt là lập trình để điều khiển tất cả các cảm biến như: Nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, cảm biến báo mưa, hệ thống chống trộm, camera quan sát. Tất cả những hoạt động này thay đổi một cách tự động theo những tác động của thời tiết, khí hậu cụ thể như: khi nhiệt độ quá cao thì hệ thống quạt tự động bật quạt hút và đẩy gió ra ngoài. Nếu trời nắng gắt từ lúc 10 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều thì cảm biến ánh sáng được kích hoạt và điều khiển mô tơ kéo bạt ra để che cho vườn lan. Khi những giò lan thiếu nước thì cảm biến độ ẩm điều khiển bơm nước để phun sương tưới cho vườn lan đến khi những giò lan đạt đến độ ẩm cho phép thì cảm biến độ ẩm điều khiển bơm tắt đi. Vào những lúc trời mưa thì cảm biến báo mưa được kích hoạt điều khiển mô tơ kéo bạt ra để che cho vườn lan không bị nước mưa gây các bệnh như: Thối đọt non, thối lá và thối thân do nấm mốc... Trong mô hình nhà trồng lan thông minh còn có hệ thống báo động và camera quan sát để bảo vệ vườn lan khỏi kẻ xấu vào trộm lan.

Thầy Nguyễn Tuấn Hiếu, giáo viên môn Tin học tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, người trực tiếp hướng dẫn Sơn và Tài thực hiện ý tưởng nhận xét: “Đây là mô hình đơn giản, dễ sử dụng nhưng lại thiết thực và hiệu quả. Mô hình này có ưu điểm là không dùng máy tính, không cần dùng tay để điều khiển hệ thống, giá thành thấp dễ lắp đặt, người trồng hoa lan sẽ tránh được các bệnh về mùa mưa như: Bệnh thúi nhũn, thán thư, nấm thối rễ. Ngoài ra, mô hình này còn có thể áp dụng cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Sơn và Tài là học sinh thông minh, có năng khiếu vượt trội trong các môn học khoa học, nhất là môn Tin học. Một khi bắt tay vào làm việc gì, các em đều quyết tâm, có trách nhiệm cao và mang lại thành tích tốt. Em Sơn và Tài là niềm tự hào của nhà trường, bạn bè và cả thầy cô giáo”.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.