Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì sự nghiệp "trồng người"

12:18, 06/03/2020

Cô giáo như mẹ hiền

Sinh năm 1983, lớn lên ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), từ nhỏ cô Võ Thị Kim Hiền đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên nuôi dạy trẻ. Đến năm 2008, sau 3 năm tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk, ước mơ của cô đã thành hiện thực khi được nhận về công tác tại Trường Mầm non Hoa Sen, huyện Buôn Đôn.

Cô tâm sự, nhà ở xa, con nhỏ, chồng là kỹ sư cầu đường cũng thường xuyên vắng nhà nên thời gian đầu gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì không có người trông con. Thấy vợ yêu nghề, chồng cô phải nghỉ việc ở nhà 3 năm để trông con cho vợ đi làm. Bây giờ các cháu đã lớn, con gái đầu 12 tuổi đã tự đến trường đi học, bé thứ hai 4 tuổi nên gia đình cũng đỡ vất vả hơn. Nhờ vậy mà cô mới theo đuổi được ước mơ của mình.

Cô Võ Thị Kim Hiền sắp xếp cho trẻ nghỉ trưa.
Cô Võ Thị Kim Hiền sắp xếp cho trẻ nghỉ trưa.

Gia đình cô Hiền đang ở khối 10, phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), cách trường gần 40 km, nhưng chưa bao giờ cô đi làm trễ. Dù trời mưa hay trời nắng thì cứ 6 giờ 30 sáng là cô đã có mặt tại trường để đón trẻ. Để đến trường đúng giờ, hằng ngày cô dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị thức ăn cho chồng và con ở nhà. Có hôm con quấy khóc, ôm chặt lấy mẹ không cho đi, dù rất thương con nhưng công việc ở trường không thể bỏ được. “Đối với tôi dù công việc có gian nan, vất vả, đồng lương ít ỏi, nhưng chỉ cần được nhìn thấy đám trẻ thân yêu thì mọi mệt mỏi, buồn phiền cũng tan biến”- cô Hiền chia sẻ.

Năm học này cô dạy lớp chồi 2 ở phân hiệu Trường Mầm non Hoa Sen. Phân hiệu có 3 lớp chồi, mỗi lớp có gần 40 trẻ. Phân hiệu cách xa điểm trường chính 1 km, nhưng ý thức và tinh thần làm việc của các cô giáo ở đây vẫn luôn nghiêm túc. Cô Hiền thường xuyên quan sát, tìm hiểu, phát hiện ưu điểm của từng bé để động viên, khích lệ, cũng như lồng ghép nội dung giảng dạy qua các trò chơi, câu chuyện trong giờ học. Đặc biệt, ngoài những kiến thức cơ bản cần dạy trẻ, cô còn lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống như về lòng trung thực, biết quan tâm mọi người, đoàn kết, tập thói quen ngăn nắp, trật tự… qua những bài thơ, câu chuyện, bài hát. Các em học sinh không chỉ được chăm sóc tận tình trong giờ học mà còn được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. Đối với các cháu học sinh, cô Hiền như người mẹ thứ hai. Trong thời gian công tác ở trường, cô còn chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tự tìm tòi, học hỏi và có nhiều sáng kiến kinh nghiệm phục vụ giảng dạy, chăm sóc trẻ. Những lớp học do cô phụ trách luôn dẫn đầu các hoạt động phong trào của trường.  Với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, nhiều năm cô Hiền đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

Nữ hiệu trưởng "hai giỏi"

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 1992 với tấm bằng xuất sắc, cô giáo trẻ Đinh Thị Thanh Xuân về nhận công tác tại Trường THCS Lê Quý Đôn (huyện Krông Năng) với nhiều bỡ ngỡ, khó khăn của buổi ban đầu mới bước chân vào nghề.

Với tâm huyết yêu nghề, yêu trẻ, cô Xuân luôn đau đáu tìm tòi, học hỏi và đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm phục vụ giảng dạy, không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm học 2002–2003, sau 10 năm ra trường, cô Xuân đã đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Năm 2003, bất hạnh bất ngờ ập đến với gia đình cô Xuân khi người chồng thân yêu của cô mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, đã chạy chữa ở nhiều nơi nhưng vẫn không qua khỏi. Từ đó một mình cô đã phải lặn lội, bươn chải với cuộc sống và công việc để nuôi dạy hai con ăn học, trưởng thành.

Cô Đinh Thị Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Quang Trung.
Cô Đinh Thị Thanh Xuân, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Quang Trung.

Năm 2011, Trường THCS Lê Quý Đôn phát triển và tách ra thành lập Trường THCS Quang Trung (buôn Weo, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng). Cô Đinh Thị Thanh Xuân được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Những năm đầu mới thành lập, Trường THCS Quang Trung gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là về cơ sở vật chất. Trong đó khó khăn lớn nhất là phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số của lớp học, duy trì số lượng học sinh khá, giỏi là rất khó. Với sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong quản lý và tham mưu của cô Xuân, nhà trường đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của phụ huynh, đầu tư của cấp trên.

Cô Xuân chia sẻ, với đặc thù và khó khăn của nhà trường, cô luôn tự nhắc nhở mình phải đặt lợi ích của tập thể lên trên, lấy học sinh làm trung tâm trong nhiệm vụ giảng dạy và rèn luyện; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Đồng thời, dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trò chuyện với các em học sinh trong trường, tìm hiểu những khó khăn của các em, kịp thời giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất để các em tiếp tục đến trường. Cô luôn động viên, có hình thức khen thưởng kịp thời những giáo viên, học sinh đạt thành tích cao trong giảng dạy, học tập cũng như trong các hoạt động phong trào; tạo điều kiện cho giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, khuyến khích giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ việc giảng dạy.

Trong  kỳ thi giảng dạy các cấp, cô luôn quan tâm động viên, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho giáo viên; lắng nghe những ý kiến đóng góp, kiến nghị của giáo viên, phụ huynh để xây dựng tập thể nhà trường vững mạnh. Trải qua 7 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, năm 2017, Trường THCS Quang Trung đã đón nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường có nhiều năm đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc, Chi bộ đảng liên tục đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”. Năm 2019, trường nhận quyết định sáp nhập thêm Trường Tiểu học Krông Năng thành Trường Tiểu học - THCS Quang Trung.

Hiện nay, Trường Tiểu học - THCS Quang Trung có 732 học sinh, 27 phòng học và 57 cán bộ giáo viên. Vai trò Hiệu trưởng của cô Xuân lại càng nặng nề hơn vì có hai cấp học, sĩ số học sinh và giáo viên tăng lên nên công tác quản lý, điều hành cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Cô Xuân tâm niệm, dù hoàn cảnh nào cô cũng không ngừng phấn đấu, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, cô Đinh Thị Thanh Xuân đã được các cấp ghi nhận thành tích, trong đó có Bằng khen của UBND tỉnh và đặc biệt là Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong 5 năm liền.

Thanh Nga - Thùy Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.