Multimedia Đọc Báo in

Trường Đại học Buôn Ma Thuột: Chung tay phòng, chống dịch Covid-19

09:00, 26/03/2020

Trước tình trạng khan hiếm một số vật tư y tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã chế xuất gần 5.000 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn cung cấp miễn phí cho cộng đồng.

Giáo sư, Tiến sĩ Y học Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột cho biết:  Với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực khối ngành khoa học sức khỏe, nên tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm chung tay vì cộng đồng, nhất là trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu cùng lãnh đạo hai Khoa Y và Dược quyết định sản xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn để tặng miễn phí, góp một phần công sức trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

 1(Ảnh do nhà trường cung cấp)
  Sinh viên Khoa Dược đang pha chế dung dịch rửa  tay sát khuẩn. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Việc chế xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn được nhà trường tiến hành từ đầu tháng 2 vừa qua, với lực lượng nòng cốt là cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Dược. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của đoàn viên thanh niên, đoàn viên công đoàn  nhà trường để thực hiện các công đoạn sau khi chế xuất như: chiết vào các chai nhỏ, dán nhãn, cấp phát cho cộng đồng…

Theo thạc sĩ, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Dược Liêu Hồ Mỹ Trang, việc chế xuất dung dịch rửa tay do sinh viên từ năm thứ hai đến năm cuối của Khoa Dược thực hiện. Các em đều đã được học môn Thủ thuật bào chế với đầy đủ kiến thức cần thiết và được phân công làm việc theo từng ca. Khi tiến hành chế xuất luôn có hai giảng viên theo sát để hướng dẫn các em thực hiện đúng quy trình. “Phương pháp, công thức chế xuất cũng đơn giản, dựa trên quy trình pha chế của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời chúng tôi có chỉnh sửa, thay đổi một vài yếu tố để sản phẩm được tốt hơn, như: thêm tinh dầu tự nhiên để đảm bảo không làm khô da tay và có mùi thơm dễ chịu cho người sử dụng. Sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn này cũng đã được Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Đắk Lắk công nhận đạt yêu cầu chất lượng các chỉ tiêu theo chuẩn ASEAN”, thạc sĩ Trang cho hay.

Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột thực hiện công đoạn dán nhãn dung dịch rửa tay sát khuẩn.
Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột thực hiện công đoạn dán nhãn dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Tích cực tham gia cùng nhóm pha chế dung dịch rửa tay sát khuẩn, sinh viên năm thứ hai lớp 18DB1 Khoa Dược Trần Hải Đăng chia sẻ: “Em rất vui vì được tham gia nhóm chế xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn của nhà trường để đóng góp một phần công sức của mình cho cộng đồng trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Qua việc chế xuất này sinh viên ngành Dược chúng em học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm cho chuyên ngành sau này khi ra trường…”.

 
“Tùy vào tình hình dịch Covid-19 cũng như nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, người dân, nhà trường sẽ tiếp tục đầu tư để chế xuất dung dịch rửa tay sát khuẩn với số lượng phù hợp. Mong rằng, sự chia sẻ của nhà trường -  dù nhỏ -  sẽ góp phần giảm bớt tâm lý lo lắng của người dân trong giai đoạn hiện nay…”.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Y học Đặng Tuấn Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Buôn Ma Thuột


Với gần 5.000 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn được pha chế, Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã chiết ra các chai nhỏ từ 100 - 300 ml và các can to (tùy vào cơ sở, địa điểm cấp phát cho phù hợp) và tiến hành phát miễn phí tại một số địa điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và 35 trường học trên địa bàn tỉnh cũng như một số cơ sở y tế như: Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Sở Y tế…

Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của nhà trường, kịp thời triển khai các nhiệm vụ cụ thể; đồng thời thành lập 4 đội xung kích, sẵn sàng ứng phó cũng như chuẩn bị đội ngũ nhân lực tham gia bệnh viện dã chiến, lên danh sách sinh viên tình nguyện hỗ trợ khi có tình huống xảy ra.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.