Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho học sinh trở lại trường
Sau hơn 3 tháng nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 4-5 học sinh các cấp học trong tỉnh đã quay lại trường. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh cũng như chương trình học, ngành GD-ĐT tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể.
Tại Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp), gần 600 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 97% nô nức đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài. Ngay ngày học đầu tiên, các em được nhà trường tiến hành đo thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào lớp, đeo khẩu trang để phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng Lương Minh Hải cho biết: Nhà trường đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên là trường thuộc vùng sâu, còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất chưa đảm bảo – hiện nay trường vẫn tổ chức học 2 ca/ngày nên việc tách lớp, tổ chức giãn cách chưa triển khai theo quy định. Trong tuần đầu các em đi học trở lại, nhà trường chủ yếu giảng dạy, ôn tập lại kiến thức, nhất là học sinh khối lớp 1…
Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. |
Còn tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột), bên cạnh công tác phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế về kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang suốt buổi học, thực hiện giãn cách…, trong những ngày đầu đi học trở lại trường chú trọng củng cố kiến thức cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh Đặng Thị Hải Yến cho hay: “Giai đoạn này trường không tổ chức học bán trú mà chia đôi lớp học lệch buổi; ở tuần đầu tiên chú trọng củng cố kiến thức môn Toán và tiếng Việt. Mặc dù gặp phải một số khó khăn trong việc bố trí giáo viên nhưng tất cả đều xác định rõ trách nhiệm, cùng cố gắng. Nhà trường tổ chức dạy xen kẽ các môn Tin học, Ngoại ngữ, Hát nhạc nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh, nhất là giáo viên chủ nhiệm được nghỉ giải lao 1 - 2 tiết để "nạp" năng lượng cho những buổi học tiếp theo”.
Giáo viên Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn các cháu lớp Lá thực hiện các bước rửa tay. |
“Bên cạnh việc đảm bảo chất lượng dạy và học thì việc đảm bảo an toàn sức khỏe của giáo viên, học sinh cũng được ngành GD-ĐT quan tâm đặc biệt trong giai đoạn này; trong đó chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc”…”.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa
|
Đối với bậc học mầm non, trước ngày đi học trở lại các giáo viên chủ động liên hệ với phụ huynh để thông báo và nắm tình hình các em. Cô Nguyễn Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-3 (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Để chuẩn bị cho công tác đón học sinh đi học trở lại, trường đã tiến hành dọn vệ sinh, khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng vệ sinh cá nhân của trẻ và xung quanh trường lớp. Bên cạnh đó, trường cũng chuẩn bị các trang thiết bị y tế như: máy đo thân nhiệt, dung dịch rửa tay diệt khuẩn, nước khử khuẩn để vệ sinh trước khi nhận các cháu vào lớp và cho các phụ huynh ký xác nhận nhiệt độ của con em mình để cùng nhà trường theo dõi tình hình sức khỏe các em. Đồng thời nhà trường tổ chức giãn cách chia lớp, tận dụng các phòng chức năng như phòng học tiếng Anh, hội trường, phòng học năng khiếu để việc học, ăn, ngủ cho các cháu được đảm bảo đúng theo quy định…
Theo Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà, trước khi học sinh đi học trở lại, Phòng GD-ĐT thành phố đã yêu cầu các trường rà soát theo 15 tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT về trường học an toàn; chủ động mời hiệu trưởng các trường triển khai các giải pháp vừa đảm bảo phòng dịch vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy; trong đó chú trọng các bậc học mầm non, tiểu học. Giáo viên và đội ngũ y tế nhà trường phải chủ động trong việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh cho học sinh. Các trường bố trí không quá 30 học sinh/lớp; cấp tiểu học, THCS chia đôi lớp học để học lệch buổi; các trường bán trú tạm dừng học bán trú một tuần để có kế hoạch triển khai phù hợp.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc