Multimedia Đọc Báo in

Định hướng giá trị nghề

16:58, 17/07/2020

Như thường lệ, càng gần tới kỳ thi tốt nghiệp THPT, câu chuyện chọn nghề, chọn trường lại trở thành chủ đề được thảo luận trên nhiều diễn đàn. Để có được một công việc yêu thích và phù hợp với năng lực của mình thì mỗi người cần có sự chuẩn bị, tức là có định hướng giá trị nghề.

Định hướng giá trị nghề là việc xác định xem mình thực sự thích gì, mình thực sự giỏi cái gì, mình muốn làm nghề gì và cuối cùng là để làm được công việc đó thì mình cần phải có những phẩm chất gì. Thông thường, các cá nhân sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi: (1) mình có đang hiểu đúng về công việc mà mình sẽ làm trong tương lai? (2) mình có thể làm tốt công việc đó? và (3) mình có thích công việc đó không? Để hiểu đúng về nghề, cá nhân sẽ phải xác định được những đòi hỏi từ phía xã hội dành cho vị trí việc làm.

Sự đòi hỏi từ phía xã hội đối với một vị trí việc làm nào đó thường thể hiện ở ba khía cạnh: sự đòi hỏi về kiến thức, sự đòi hỏi về kỹ năng và sự đòi hỏi về thái độ sống/thái độ làm việc. Chúng ta dễ thấy rằng, bất kỳ vị trí việc làm nào cũng có những cơ hội về thu nhập, về khả năng thăng tiến, về khả năng nâng cao trình độ và đồng thời là những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro. Trong việc lựa chọn nghề, mỗi người phải trả lời được câu hỏi liệu mình có vượt qua được những khó khăn, rủi ro do công việc đó mang lại hay không. Sau khi đã hiểu về bản thân và hiểu về nghề thì hoàn cảnh gia đình, các nguồn lực mà gia đình đang có sẽ là những yếu tố mà mỗi người nên cân nhắc khi chọn trường sẽ đào tạo nghề cho mình.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trao đổi với học sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020.   Ảnh: Lan Anh
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trao đổi với học sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Lan Anh

Như vậy, về tính logic trong việc hướng nghiệp thì lựa chọn nghề là sự lựa chọn đầu tiên và chọn trường sẽ là sự lựa chọn cuối cùng. Tuy nhiên hiện nay, dường như đối với nhiều bậc cha mẹ, thông tin về trường có vẻ được quan tâm đầu tiên và nhiều hơn so với những thông tin về nghề. Do vậy, câu hỏi thường thấy dành cho các bạn học sinh lớp 12 sẽ là: “Con/cháu chọn trường nào?”. Điều này có thể góp phần giải thích cho một thực tế đang diễn ra ở các trường đại học là, một số sinh viên tỏ ra bối rối và không đưa được câu trả lời rõ ràng khi được hỏi: “Vì sao em học ngành này?” hoặc  “Em biết sau khi tốt nghiệp đại học, em có thể làm công việc gì không?” hoặc “Sau khi tốt nghiệp đại học, em sẽ trở thành một người như thế nào?” Thực trạng đó cho thấy, các bạn ấy đã chọn nghề rồi mà chưa định hướng được giá trị nghề.

Do đó, để tránh nguy cơ lãng phí về thời gian, tiền bạc của bản thân, gia đình, nhà trường và cả xã hội trong việc đào tạo nghề, có lẽ cần nhấn mạnh hơn nữa tầm quan trọng của việc định hướng giá trị bản thân, định hướng giá trị nghề nơi người học. Từ đó, mỗi cá nhân mới có thể tự thiết lập mục tiêu học, mục tiêu nghề trong tương lai.

Lao động qua đào tạo nghề và đại học đạt tỷ lệ khoảng 70% vào năm 2020

Theo Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là: Hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đào tạo ra những con người có năng lực sáng tạo, tư duy độc lập, trách nhiệm công dân, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp, năng lực ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp, năng lực tự tạo việc làm và khả năng thích ứng với những biến động của thị trường lao động và một bộ phận có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.

Đến năm 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.